60% người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ưa chuộng xe điện Hybrid hơn

Tạp chí Nhịp sống số - Nghiên cứu của Zebra cho thấy 60% người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ ưa chuộng xe điện Hybrid hơn trong tương lai

Các nhà sản xuất ô tô phải lập kế hoạch chuyển đổi liền mạch sang xe điện, loại xe có yêu cầu rất khác biệt, từ nguyên liệu thô đến khâu lắp ráp cuối cùng. Do đó, các ưu tiên về công nghệ sẽ cần tập trung vào việc tăng cường tự động hóa, xây dựng các công nghệ nội bộ và mở rộng khả năng hiển thị giám sát trên các chuỗi sản xuất và cung ứng tương ứng của họ.

san-xuat-xe-dien-hybrid.jpg

Bất chấp nền kinh tế đầy biến động, các nhà sản xuất ô tô đã sẵn sàng đầu tư vào hoạt động đổi mới công nghệ với 7/10 nhà sản xuất ô tô (74% trên toàn cầu, 69% ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương (CA-TBD)) dự kiến sẽ tăng chi tiêu cho công nghệ của họ và 6/10 nhà sản xuất ô tô (67% trên toàn cầu, 63% ở khu vực CA-TBD) có kế hoạch tăng chi tiêu cho hạ tầng sản xuất vào năm 2023.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2022, với sự tham gia của 1.336 người trên toàn cầu, bao gồm các nhà lãnh đạo trong ngành, các nhà quản lý đội xe và người tiêu dùng. Ở khu vực CA-TBD, nghiên cứu này đã khảo sát 350 đối tượng tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Người tiêu dùng CA-TBD sẽ ưa chuộng xe điện hơn trong tương lai

Cuộc khảo sát phản ánh rằng trong tương lai gần sẽ có sự thay đổi về sở thích, với hơn một nửa số người tiêu dùng (53% trên toàn cầu, 60% ở CA-TBD) cho biết sẽ chọn xe điện hybrid (HEV). Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện đi kèm với nhiều thách thức khi 68% những người ra quyết định trong ngành ô tô toàn cầu (60% ở CA-TBD) cho biết họ đang chịu áp lực cao trong việc sản xuất các loại xe thế hệ tiếp theo (tức xe điện), trong khi 75% trong số họ (71% ở CA-TBD) đang chịu áp lực cao trong việc cung cấp các sản phẩm thân thiện, bền vững và an toàn hơn cho môi trường.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh người tiêu dùng xuyên suốt nhiều thế hệ đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô tăng tốc đổi mới công nghệ, với 8 trên 10 người cho biết, tính bền vững và thân thiện với môi trường là những ưu tiên chính trong quyết định mua và thuê phương tiện của họ. 87% đối tượng thuộc thế hệ Millennials tham gia khảo sát ưu tiên tính bền vững của phương tiện, theo sát là nhóm thuộc Gen X với 78% và nhóm Baby Boomers với 76%. Tại khu vực CA-TBD, đây cũng là những ưu tiên chính của 85% người tiêu dùng, bao gồm 92% thế hệ Millennials, 83% Gen X và 72% Baby Boomers coi tính bền vững là ưu tiên cao nhất.

Người tiêu dùng cũng ngày càng chú trọng đến cá nhân hóa – khả năng tùy chỉnh một chiếc xe theo sở thích của họ. Gần 4/5 người tiêu dùng cho biết các tùy chọn cá nhân hóa ảnh hưởng đến quyết định mua xe của họ và 8/10 người quản lý đội xe có chung những yêu cầu này đối với tính bền vững và cá nhân hóa. So với toàn cầu, tỷ lệ người tiêu dùng tại khu vực CA-TBD đồng tình với điều này là cao nhất, với 86% trong số họ ưu tiên các tùy chọn cá nhân hóa trong quyết định mua sắm và 92% người quản lý đội xe cũng có yêu cầu tương tự.

Mặc dù gần 80% các nhà lãnh đạo trong ngành ô tô trên toàn cầu (77% ở khu vực CA-TBD) nhận ra rằng người tiêu dùng ngày nay mong muốn có các loại phương tiện được cá nhân hóa và bền vững hơn, nhưng khoảng 7/10 trong số họ cũng thừa nhận rằng rất khó theo kịp nhu cầu tùy chỉnh ngày càng tăng. Do đó, 3/4 các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu cho biết ưu tiên hàng đầu của họ là xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các công ty công nghệ cho thế hệ sản phẩm tiếp theo. Chỉ số này của khu vực CA-TBD thấp hơn, lần lượt là 72% và 64%.

Tan Aik Jin, Trưởng nhóm Tiếp thị các giải pháp ngành dọc cho khu vực CA-TBD của Zebra Technologies, cho biết: "Theo nghiên cứu, người tiêu dùng đang hướng tới một tương lai ô tô xanh hơn với ưa chuộng nhiều hơn đối với xe điện. Đây là một tín hiệu rõ ràng tới những người ra quyết định trong lĩnh vực ô tô rằng họ phải chủ động đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ phù hợp để giúp hình thành một hạ tầng sản xuất mạnh mẽ có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng".

Tính tin cậy và sự minh bạch trong sản xuất ô tô

Tính minh bạch của dữ liệu và thông tin là các yếu tố rất quan trọng đối với người tiêu dùng cũng như các nhà quản lý đội xe, những người đang mong muốn nâng cao khả năng hiển thị giám sát trong hệ sinh thái ô tô. Khi cân nhắc mua hoặc thuê một phương tiện, 81% người tiêu dùng trên toàn cầu (85% ở CA-TBD) và 86% người quản lý đội xe (92% ở CA-TBD) cho biết họ muốn hiểu rõ về nguồn gốc của vật liệu và các linh kiện trên xe. Người tiêu dùng thế hệ Millennials dẫn đầu trong việc đòi hỏi tăng cường sự minh bạch trong ngành sản xuất ô tô, với hơn 8/10 người (cả trên toàn cầu và ở khu vực CA-TBD) cho rằng việc có được quyền truy cập vào thông tin của nhà sản xuất, cùng với thông tin về tính bền vững của nguồn nguyên liệu và linh kiện, và hiểu rõ toàn bộ quá trình sản xuất của một chiếc xe là những yếu tố rất quan trọng.

Ngoài việc có thể quan sát tốt hơn về quy trình sản xuất ô tô, khi đã sở hữu xe, 88% người tiêu dùng (82% ở khu vực CA-TBD) và 86% người quản lý đội xe (88% ở khu vực CA-TBD) muốn biết dữ liệu phát sinh từ phương tiện của họ sẽ được hệ sinh thái ô tô sử dụng như thế nào.

Sau khi mua xe, 83% người tiêu dùng và 84% người quản lý đội xe mong muốn sở hữu và kiểm soát dữ liệu do xe của họ tạo ra. 86% người tiêu dùng và 88% các nhà quản lý đội xe trong khu vực CA-TBD cũng có mong muốn tương tự.

Khả năng hiển thị giám sát chuỗi cung ứng ô tô

Phần lớn người tiêu dùng (79% trên toàn cầu, 83% ở khu vực CA-TBD) và các nhà quản lý đội xe (81% trên toàn cầu, 84% ở khu vực CA-TBD) mong muốn có thể quan sát toàn bộ quá trình sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3/10 cán bộ quản lý có trách nhiệm ra quyết định trong ngành ô tô cho biết họ sẽ ưu tiên kết nối các hệ thống dữ liệu thời gian thực (30% ở khu vực CA-TBD) để có cái nhìn toàn cảnh về hoạt động và tăng khả năng hiển thị giám sát trong sản xuất cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng trong thời gian 5 năm tới (32% ở khu vực CA-TBD).

“Thông qua số hóa hoạt động từ việc giới thiệu các công nghệ phù hợp như RFID hoặc thậm chí cả thiết bị di động, các nhà sản xuất ô tô có thể đạt được tầm nhìn giám sát rõ ràng hơn trong chuỗi cung ứng của họ để đảm bảo rằng các quy định và kỳ vọng về tính bền vững được đáp ứng một cách hiệu quả và năng suất”, ông Tan nói thêm.

Hơn một phần ba số nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) trên toàn cầu và ở khu vực CA-TBD cho biết các công nghệ robot tự hành (AMR), RFID, máy kiểm kho, máy quét mã vạch và thiết bị công nghiệp camera kiểm tra ngoại quan sẽ cải thiện quá trình quản lý chuỗi cung ứng. Tương tự, một phần ba số nhà cung cấp tham gia khảo sát cho rằng máy in nhiệt/in nhãn mã vạch di động, máy kiểm kho dạng đeo và công nghệ định vị là những công nghệ giúp thực hiện điều này.

christanto-suryadarma-zebra-technologies.jpg

Ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Zebra Technologies

Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Zebra Technologies, cho biết: "Các nhà sản xuất ô tô ngày nay có nhiều rào cản cần phải vượt qua. Với việc sở hữu một danh mục đầu tư mở rộng bao gồm tự động hóa công nghiệp, công nghệ định vị, quét công nghiệp cố định, camera kiểm tra ngoại quan và nhiều giải pháp khác, Zebra có đầy đủ năng lực để tư vấn và giúp các nhà sản xuất nâng cao khả năng vận hành của họ và xóa bỏ những rào cản đó. Đó không chỉ là triển khai công nghệ mà còn triển khai đúng công nghệ vào đúng thời điểm. Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp các công cụ và công nghệ phù hợp cần thiết để tăng tốc khả năng giữa con người với máy móc, hướng tới có được thông tin tài sản doanh nghiệp chi tiết và đẩy đủ trong sản xuất ô tô, thông qua các giải pháp khác nhau như thiết bị quét RFID RFD90 Sled, máy in nhãn RFID ZT231, nhãn RFID dán trên lốp xe, máy quét mã vạch DS3600-KD, Workforce Connect, máy tính bảng bền bỉ L10ax Windows và máy kiểm kho MC9300 Direct Part Marking Model, v.v…"

Nhìn chung, khoảng 7/10 nhà lãnh đạo có trách nhiệm ra quyết định trong ngành ô tô (76% trên toàn cầu, 67% ở CA-TBD) đồng ý rằng chuyển đổi số là ưu tiên chiến lược đối với tổ chức của mình. Trong 5 năm tới, họ dự kiến sẽ tăng cường việc ứng dụng công nghệ, với 47% trong số họ (cả trên toàn cầu và ở khu vực CA-TBD) tập trung vào công nghệ sản xuất bồi đắp vật liệu (additive manufacturing)/in 3D, và 45% các nhà lãnh đạo trên toàn cầu (46% ở khu vực CA-TBD) tập trung vào các giải pháp quy hoạch chuỗi cung ứng.

Nguồn: nss.vn

Có thể bạn quan tâm