Bánh ngọt Nhật Bản đã thoát thai từ cội rễ châu Âu, được cải tiến, kết hợp sâu sắc với ẩm thực và mỹ học Nhật Bản để trở thành một loại "quốc bảo" hút hồn cả người dân bản địa lẫn du khách.
"Cơn gió" nào đã mang wagashi đến với Nhật Bản?
Theo truyền thuyết, một nhóm tu sĩ Bồ Đào Nha khi đang đi tàu đến Ma Cao thì gặp thời tiết xấu, nên đã cập bến Nagasaki. Không ngờ rằng chuyến hải hành bị đổi lộ trình đó đã mang đến một thay đổi lớn lao với nền ẩm thực Nhật Bản, khi các vị khách mang đến một nguyên liệu đơn giản nhưng được nhiều người yêu thích: đường.
Vào thế kỷ 16, Nagasaki trên đảo Kyushu là thành phố duy nhất mà người nước ngoài có thể giao thương với người Nhật. Kết quả là nhiều món wagashi (đồ ngọt) được yêu thích ngày nay ở Nhật có nguồn gốc từ Kyushu.
Một trong số đó là castella, loại bánh ngọt lấy cảm hứng từ Bồ Đào Nha nhưng có thành phần tạo nên sự đặc trưng của món Nhật: xi-rô mizuame, được làm từ gạo nếp trộn mạch nha. Bánh castella được cắt thành từng miếng vuông, gói riêng trong bao bì nhiều màu sắc rồi cho vào hộp quà. Nơi tốt nhất để mua các món đồ ngọt về làm quà là ở Fukusaya, chuỗi cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng và mở địa điểm bán hàng đầu tiên ở Nagasaki năm 1624. Dù có nhiều loại castella có vị đặc biệt như hoa anh đào vào mùa xuân hay chocolate vào dịp Giáng sinh nhưng vị cổ điển vẫn bán chạy nhất, theo nhân viên cửa hàng.
Và những biến tấu ngọt ngào
Trong 50 năm qua, bánh ngọt đã có bước phát triển lớn ở Nhật Bản. Nhiều tiệm bánh ngọt châu Âu và toàn thế giới lấy cảm hứng từ các sản phẩm của Nhật, theo Michele Abbatemarco, đầu bếp làm bánh trong một nhà hàng tại khách sạn Four Seasons, Tokyo.
Trong tiếng Nhật, Wagashi là từ dùng để chỉ các loại đồ ngọt được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cao chứ không đơn thuần là ngon miệng.
Ngoài castella, một món ngọt xuất xứ châu Âu khác được người Nhật biến tấu là macaron, với phiên bản địa phương làm bằng bột đậu phộng thay vì bột hạnh nhân, mang hương vị truyền thống của Nhật như trà xanh, đậu đỏ.
Hoặc một loại kẹo khác là konpeito, cũng có mối liên hệ với ẩm thực Bồ Đào Nha. Những viên đường nhỏ, có màu nhạt trông giống như những ngôi sao hoặc bông hoa.
Trong quá khứ, đường là một nguyên liệu đắt tiền tại Nhật, chỉ người giàu và giới quý tộc mới dùng đến. Theo truyền thống, các vị khách của Hoàng gia như nguyên thủ và các thành viên hoàng gia của quốc gia khác sẽ nhận được những hộp kẹo bằng bạc làm quà chào mừng khi họ tới các sự kiện quan trọng.
Ngày nay, một số đầu bếp tại Nhật đang cố gắng phục hồi các sản phẩm địa phương trước khi đường được nhập khẩu vào đất nước.
Với quan niệm mĩ học rất sâu sắc, cái đẹp trở thành chuẩn mực hàng đầu trong từng lĩnh vực của đời sống của xứ sở Hoa Anh đào, trong đó có cả những chiếc bánh ngọt Nhật Bản. Không đơn thuần là một món ăn, chúng mang trong mình cả sự tinh tế và đa dạng văn hóa vô cùng thú vị.