Dù cách gọi và định nghĩa có thể khác nhau, nhưng cốt lõi của CMCN 4.0 là sử dụng thông tin hóa và trí thông minh nhân tạo, hay ngắn gọn là thông minh hóa để làm cho mọi thứ hiệu quả hơn.
Những xu hướng mới về việc làm
Các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ đã buộc xã hội phải trải qua quá trình thích ứng lâu dài đi kèm với mất mát. Tương tự, tác động xã hội của cuộc CMCN 4.0 cũng rất sâu rộng, không chỉ dẫn đến những vấn đề kinh tế và xã hội do người dân mất việc làm, mà còn khiến tính chất công việc ở cả nông thôn và thành thị ngày càng biến động.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng thể hiện bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao năng suất nhờ biến đổi phương thức vận hành và mối quan hệ giữa các yếu tố của quá trình sản xuất. Đồng thời sinh ra một hình thức kinh tế mới, đó là “nền kinh tế chia sẻ” với sức ảnh hưởng rộng và mang tính cách mạng như một số nền tảng gọi xe trực tuyến hay các Workspace, thông qua hình thức B2B và B2C.
Ngoài ra, CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học. Theo đó, các công nghệ mới ra đời sẽ là sự liên kết các lĩnh vực lý - sinh; cơ - điện tử - sinh… hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có sự liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc.
Ví dụ như tại Đức, ước tính đến năm 2025, CMCN 4.0 sẽ tạo thêm khoảng 350.000 việc làm, tăng 5% so với lực lượng lao động 7 triệu người trong 23 ngành sản xuất hiện đang tham gia nghiên cứu. Việc phổ biến robot và công nghệ máy tính sẽ làm giảm khoảng 610.000 công việc lắp ráp và sản xuất, nhưng sẽ có 960.000 công việc bổ sung. Các lĩnh vực CNTT, phân tích và R&D đòi hỏi thêm 210.000 nhân sự có tay nghề cao...tất cả đều là những nguồn cung cấp cơ hội việc làm mới.
Không những vậy, CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra những ngành nghề mới lần đầu tiên xuất hiện như các nhà phân tích pháp y dữ liệu điện tử và quản lý khí thải carbon, kỹ sư phần cứng thông minh, nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống thị giác công nghiệp, kỹ sư mạch tích hợp, nhân viên tư vấn bán hàng trực tuyến, giảng viên online, cùng với một nghề khá đặc biệt là chuyên viên dinh dưỡng calo và đánh giá khả năng tự chăm sóc của người cao tuổi dựa trên một hệ thống AI. Ngoài ra có rất nhiều ngành nghề mới khác cũng đã được công nhận và có những đóng góp nhất định cho cộng đồng, xã hội.
Theo “Báo cáo về các loại hình mới của ngành dịch vụ và số người hành nghề mới vào năm 2020” của Viện Nghiên cứu Mission Institute (Mỹ), có 53,9% người chọn nghề mới vì thu nhập và 50,4% chọn nghề mới vì đam mê. Trong đó, nhận thức chung của nhiều người là muốn tận dụng cơ hội từ nghề nghiệp mới để phát triển nhanh về năng lực chuyên môn, nâng cao mức thu nhập và khả năng gặp gỡ đối tác cùng chí hướng.
Thay đổi để bắt kịp thời đại
Trong khi 2 ngành là Y tế và Giáo dục đang chuyển đổi mạnh mẽ sang hình thức cung cấp dịch vụ trực tuyến, xu hướng chuyển đổi số từ CMCN 4.0 cũng tạo ra việc làm mới cho người lao động ở những ngành nghề khác và cho năng suất cao hơn.
Vấn đề là phải đào tạo lại cho người lao động và dựa trên nền tảng chuyển đổi số như hiện tại, khả năng thích ứng của người lao động với sự chuyển đổi của xã hội trong thời đại công nghệ sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, cũng sẽ tạo ra nguồn nhân sự có kỹ năng và tay nghề cao, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư khi chuyển giao công nghệ và xây dựng các công xưởng sản xuất mới.