Cục Thuế TP.HCM vừa phát cảnh báo về tình trạng mạo danh công chức thuế để lừa đảo. Cụ thể, đơn vị này đã phát hiện trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng một số đối tượng gọi điện thoại đến người nộp thuế tự xưng là công chức thuế tại các chi cục thuế để đề nghị hỗ trợ cài đặt các ứng dụng của ngành thuế trên máy tính, điện thoại di động và các thiết bị có nối mạng khác nhằm chiếm đoạt các tài khoản mạng, tài khoản ngân hàng của người nộp thuế hoặc mời người nộp thuế làm việc, hướng dẫn kê khai miễn, giảm thuế trên điện thoại, mời tập huấn, bán tài liệu, sổ sách…
“Một số đối tượng đã yêu cầu người nộp thuế cung cấp một số nội dung như tài khoản truy cập ứng dụng nộp thế qua eTax Mobile, mã số thuế, căn cước công dân, giấy phép đăng ký kinh doanh…”, Cục Thuế TP.HCM cho biết thêm.
Cục Thuế TP.HCM khẳng định những hiện tượng, sự việc nêu trên đều là mạo danh, lợi dụng danh nghĩa công chức thuế, cơ quan thuế để lừa đảo người nộp thuế với mưu đồ trục lợi cá nhân…
“Cơ quan thuế không chỉ đạo và không tổ chức thực hiện các nội dung trên. Đây là việc làm gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cơ quan thuế và công chức thuế, gây phiền hà và cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế”, Cục Thuế TP.HCM nhấn mạnh.
Cục Thuế TP.HCM khuyến cáo các hành vi trái pháp luật nêu trên cần phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nghiêm minh theo pháp luật. Đồng thời, đề nghị người nộp thuế nếu phát hiện thấy các trường hợp mạo danh, giả danh, tự xưng là công chức thuế, cơ quan thuế để thực hiện các sự việc như đã nêu ở trên thì phản ánh kịp thời vềCục Thuế theo số điện thoại đường dây nóng, cụ thể: số điện thoại 0283.7702288 nhánh số 6: Hỗ trợ đường dây nóng (Phòng Kiểm tra Nội bộ).
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã có đăng tải cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Người nộp thuế có thể truy cập vào website của Tổng cục Thuế để tham khảo.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2023, Cục Thuế TP.HCM cũng đã lên tiếng cảnh báo người nộp thuế cẩn trọng trước tình trạng một số đối tượng giả mạo công chức cơ quan thuế hướng dẫn và cung cấp đường dẫn cài đặt ứng dụng giả mạo nhằm mục đích lừa đảo.
Theo Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam:
- Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”
- Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
- Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
- Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
- Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
- Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
- Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
- Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…
- Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)
- Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
- Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
- Lừa đảo tuyển CTV online.
- Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.
- Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
- Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
- Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
- Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
- Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
- Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
- Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
- Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
- Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…
- Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
- Lừa đảo cho số đánh đề.