Cục Hàng không cho biết, phương thức lừa đảo vé máy bay giả phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ, đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Sau đó, các đối tượng này quảng cáo các mức giá hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.
Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán.
Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Để tránh bị lừa mua vé giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm đi lại như 30/4, 1/5, nghỉ hè, lễ, Tết, các hãng hàng không khuyến cáo hành khách cần mua vé trên kênh chính thức của các hãng và cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Theo số liệu báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam, trong 2 ngày cao điểm 28 - 29/4, tổng số ghế được cung ứng ra thị trường trên chặng bay từ Hà Nội đi các điểm du lịch trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Đồng Hới vào khoảng trên 41.000 ghế.
Trong ngày 29/4, tỷ lệ lấp đầy đặc biệt cao như chặng Hà Nội - Huế đạt 100%, Hà Nội - Tuy Hòa đạt 93%, Hà Nội - Đồng Hới/Quy Nhơn đều đạt trên 96%...
Tương tự, trong ngày 29.4, lượng đặt chỗ tại các chặng bay du lịch từ TP.HCM đi các điểm du lịch trọng điểm nêu trên cũng đang ở mức cao, với tổng số ghế được cung ứng ra vào khoảng 40.000 ghế. Tỷ lệ lấp đầy trên các chặng như TP.HCM - Quy Nhơn/Phú Quốc/Tuy Hòa đều đạt trên 80%.
Ở chiều ngược lại các chặng bay chiều về Hà Nội, TP.HCM cũng có tỷ lệ đặt chỗ ở mức cao trong các ngày cao điểm 2 - 3/5. Một số chặng từ Phú Quốc, Quy Nhơn, Huế, Tuy Hòa đến Hà Nội và TP.HCM đều đạt tỷ lệ trên 80%.