Theo các chuyên gia, nếu tiến tới cấm hoạt động của Micron ở Trung Quốc, điều này đồng nghĩa là Bắc Kinh cần tìm nguồn cung mới từ các nước khác, có thể là Samsung, SK Hynix của Hàn Quốc.
Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ "chèn ép" lĩnh vực công nghệ của nước này và "vi phạm tinh thần hợp tác" khi Washington hồi tháng 10/2022 áp đặt các hạn chế lớn chưa từng có đối với hoạt động xuất khẩu liên quan đến chip sang Trung Quốc, cấm các công ty Mỹ bán chip và thiết bị sản xuất chip cao cấp cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Chính sách của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng chất bán dẫn tiên tiến cho siêu máy tính cùng các ứng dụng liên quan trí tuệ nhân tạo, vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các chính sách của Mỹ liên quan đến chất bán dẫn và thậm chí đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ với lý do các biện pháp này đe dọa lợi ích của các công ty Trung Quốc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Micron - công ty tạo ra 11% doanh thu ở Trung Quốc đại lục và 5% doanh thu ở Hong Kong, đã trở thành mục tiêu trả đũa đầu tiên của Bắc Kinh trong cuộc chiến bán dẫn với Mỹ bởi lẽ công nghệ của hãng này sẽ dễ dàng bị thay thế bằng chip của các đối thủ cạnh tranh hơn nếu Trung Quốc ra quyết định cuối cùng là cấm Micron hoạt động ở nước này.
Theo nhà phân tích Wang Lifu thuộc nhóm nghiên cứu ICwise có trụ sở tại Thượng Hải, Bắc Kinh coi Micron đóng “một vai trò không thân thiện trong ngành công nghiệp bán dẫn của nước này”, ví dụ như Micron đã thực hiện hành động pháp lý chống lại các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc vì hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ và vai trò được biết tới của Micron trong việc “vận động hành lang để Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc”. Còn chuyên gia về công nghệ Trung Quốc Paul Triolo tại Công ty tư vấn Albright Stonebridge cho rằng Micron được coi là “đang hỗ trợ các biện pháp kiểm soát cụ thể” vốn làm “hạn chế nghiêm trọng hai nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là Yangtze Memory Technologies (YMTC) và ChangXin Memory Technologies (CXMT) trong việc mua thiết bị sản xuất chất bán dẫn để duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực bộ nhớ”. Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ sản xuất chip nhớ Nand có 128 lớp trở lên - cấp độ của chip tiên tiến nhất của YMTC.
Trong khi đó, ông Mark Li, nhà phân tích cấp cao về chất bán dẫn tại Công ty đầu tư Bernstein cho biết “chip bộ nhớ được tiêu chuẩn hóa, vì vậy rất dễ dàng thay đổi từ nhà cung cấp Mỹ sang nhà cung cấp các nước khác", đồng thời cho biết thêm rằng các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix sẽ đảm nhận hầu hết các đơn đặt hàng của Micron tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, các chuyên gia tin rằng bất kỳ biện pháp trả đũa nào thêm của Trung Quốc nhằm vào các hãng của Mỹ sẽ bị hạn chế, do nước này phụ thuộc vào chip trí tuệ nhân tạo do hãng Nvidia và các bộ xử lý khác do các hãng Intel và Qualcomm sản xuất.
Theo bà Carolyn Bigg, người đứng đầu nhóm an ninh mạng của công ty luật DLA Piper tại Hong Kong, không giống như ở châu Âu, nơi các công ty bị phạt nếu vi phạm các quy tắc an ninh mạng, thì ở Trung Quốc, các công ty cũng có thể “mất giấy phép hoạt động hoặc ngừng hoạt động nền tảng của mình”.
Các nhà phân tích nhận định rằng nếu bị loại khỏi thị trường Trung Quốc thì Micron sẽ không chịu nhiều hạn chế thương mại. Nhà phân tích Li nói: “Micron có thể dễ dàng chuyển hướng sang các nước khác. Các chip bộ nhớ được tiêu chuẩn hóa, vì vậy các chip dành riêng cho Lenovo chẳng hạn có thể dễ dàng được chuyển hướng sang hãng Dell". Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc sẽ không nhận được nhiều động lực từ cuộc điều tra này. Nhà phân tích Mark Li nhận định: “Không có đối thủ nào ở Trung Quốc tương đương với Micron. Chỉ có những công ty nhỏ sản xuất bộ nhớ tạo ra những sản phẩm lạc hậu".
Micron đã thu hẹp quy mô một số hoạt động ở Trung Quốc đại lục trong khi tăng đầu tư vào Mỹ. Năm ngoái, hãng đã đóng cửa một đơn vị thiết kế chip Dram ở Thượng Hải, với các kỹ sư của đơn vị này được cho là đã được yêu cầu chuyển đến Mỹ hoặc Ấn Độ. Micron cũng đã công bố khoản đầu tư 20 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất chip mới của Mỹ nhằm tái cân bằng đáng kể hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng, theo đó công đoạn sản xuất tiên tiến nhất của hãng sẽ trở về Mỹ. Tuy nhiên, công ty vẫn có khoảng 3.000 nhân viên ở Trung Quốc, hầu hết làm việc tại một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm ở thành phố Tây An, miền Trung Trung Quốc.
Về lâu dài, Bắc Kinh đã phát tín hiệu rõ ràng là ngành công nghệ nước này cần phải tăng cường nỗ lực phi Mỹ hóa chuỗi cung ứng của mình. Một giám đốc điều hành cấp cao của một nhóm trí tuệ nhân tạo Trung Quốc nêu rõ: “Mọi người đang nói về một cuộc chiến tranh lạnh. Rõ ràng là các công ty công nghệ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm các nguồn cung khác để thay thế nguồn cung từ Micron".