“Đua nhau” mua lại trước hạn, ngân hàng nào đang nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất?

“Đua nhau” mua lại trước hạn, ngân hàng nào đang nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất?
Tạp chí Nhịp sống số - Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại có thể thấy, tính đến thời điểm cuối quý 1/2023, Ngân hàng Quân đội (MB Bank) là nhà băng đứng đầu hệ thống về giá trị trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng “đua” mua lại trái phiếu

Như chúng tôi đã đưa tin, sáng 29/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố kết quả giao dịch mua lại 6 lô trái phiếu trước hạn của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HoSE: TPB) – nơi “đại gia” Đỗ Minh Phú đang ngồi ghế Chủ tịch.

Cụ thể, theo công bố của HNX, từ ngày 15/5 – 25/5, TPBank của “đại gia” Đỗ Minh Phú đã mua lại 4.000 tỷ đồng giá trị của 6 lô trái phiếu đang lưu hành.

Các lô trái phiếu được mua lại, gồm: TPBL2124003, TPBL2225001, TPBL2225002, TPBL2225003, TPBL2225004, TPBL2225005.

Ngoại trừ TPBL2124003 được phát hành vào năm 2021 và dự kiến đáo hạn vào năm 2024, tất cả các lô còn lại được phát hành vào tháng 5/2022, có thời hạn 3 năm và phải tới tháng 5/2025 mới đáo hạn.

Đáng chú ý, không chỉ có TPB, việc mua lại trái phiếu trước hạn của ngân hàng thời gian qua khá sôi nổi với sự góp mặt của nhiều nhà băng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã: HDB) đã công bố liên tiếp các thông tin trên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc mua lại trước hạn gần 1.200 tỷ đồng một số lô trái phiếu trong tháng 6 tới.

Cụ thể, theo công bố ngày 23/5/2023, ngân hàng này dự kiến sẽ mua lại trước hạn 646 tỷ đồng cả gốc và lãi lô trái phiếu HDBL2128003 vào ngày 11/6/2023.

Tương tự, ngày ngày 18/3, HDB cũng công bố thông tin về việc sẽ mua lại lô trái phiếu HDBL2128002 với khối lượng dự kiến cả lãi và gốc là hơn 538 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến diễn ra vào 2/6 tới đây.

Trước đó, ngày 18/5, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – HoSE: TCB) đã công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, vào ngày 12/5, nhà băng này đã tiến hành mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành mã TCB2225003.

TCB2225003 được phát hành ngày 12/5/2022, có thời hạn 3 năm và là trái phiếu được phát hành tại thị trường trong nước.

Theo dữ liệu của HNX, nhà băng này đang có 10 lô trái phiếu niêm yết trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và thời hạn đáo hạn của tất cả các lô trái phiếu này đều trong năm 2025.

Trước đợt mua lại trái phiếu của Techcombank hai ngày, ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) cũng đã tiến hành mua lại trước hạn toàn bộ 1.500 tỷ đồng một lô trái phiếu đang lưu hành của mã OCBH2124001.

OCBH2124001 có kỳ hạn 3 năm, được phát hành vào ngày 10/5/2021 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ nhu cầu cho vay trong hoạt động kinh doanh của OCB.

Có thể thấy, việc các nhà băng liên tiếp công bố kế hoạch và kết quả mua lại trước hạn các lô trái phiếu trong thời gian vừa qua là tin vui với cổ đông đang nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp bất động sản xin khất nợ thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Đây là điều đáng mừng và cũng cho thấy “sức khỏe” của nhà băng đang rất tốt.

Trước đó, cuối tháng 2 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách 54 công ty phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.

Theo danh sách này, có 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tính từ 16/9/2022 đến hết tháng 1/2023, chiếm phần lớn các các doanh nghiệp địa ốc, điện mặt trời…

Một số doanh nghiệp nổi bật về chậm trả nợ trái phiếu trong danh sách này là: CTCP Anh ngữ Apax, CTCP Chứng khoán Tân Việt, CTCP Điện mặt trời Trung Nam, CTCP Tập đoàn Danh Khôi, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, CTCP Hưng Thịnh Incons, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn, Công ty cổ phần Đầu tư LDG…

Nhà băng nào đang nắm nhiều trái phiếu nhất?

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại, tính đến thời điểm cuối quý 1/2023, Ngân hàng Quân đội (MB Bank) là nhà băng đứng đầu hệ thống về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ là 45.470 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). So với cuối năm 2022, con số này đã giảm nhẹ khoảng 3%.

Vị trí thứ hai thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – mã: TCB) khi khép lại quý 1/2023 vừa qua, giá trị trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng này nắm giữ gần 37.800 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD).

Vị trí thứ ba thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã: VPB) dù giảm gần 4.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu nắm giữ so với đầu năm song VPBank vẫn nằm trong Top 3 khi nắm giữ gần 28.200 tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2023.

Vị trí thứ tư thuộc về Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank – mã: TPB) khi quý đầu năm giảm lượng nắm giữ hơn 1.100 tỷ đồng, xuống còn gần 20.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý 1 vừa qua, khi hầu hết các ngân hàng tung tiền mua lại trái phiếu trước hạn thì SHB - Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (mã: SHB) là ngân hàng duy nhất trong Top 5 tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp so với đầu năm lên mức 13.119 tỷ đồng, từ mức 12.659 tỷ đồng, tương đương mức tăng 3,6%...

Báo cáo đầu tháng 4 của Chứng khoán VNDirect cho biết, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng.

Trong đó, quý 2/202, có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý 1. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.

Đến quý 3, ước tính sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Và quý 4/2023 là 52.321 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Có thể bạn quan tâm