Hội thảo Hỗ trợ Tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng nghiệp xuất khẩu có thêm các giải pháp tài chính thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng kim ngạch trao đổi thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam cùng nhiều quốc gia và vùnglãnh thổ.
Nhiều khó khăn, thách thức cho lĩnh vực xuất khẩu
Theo các chuyên gia, mặc dù Nhà nước có nhiều ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chính sách tài khoá, nhưng việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về các chính sách tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do để thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời giới thiệu về việc hỗ trợ các khoản phải thu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng công nghệ của OLEA, bảo hiểm trong tài trợ thương mại...
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết từ sau khi Việt Nam thúc đẩy tiến trình hội nhâp kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với các nước và khu vực; trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)... tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các khu vực thị trường lớn của thế giới tăng trưởng rất tích cực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh và tiến tới mức 200% GDP. Điều này, thể hiện sự tham gia và phụ thuộc vào thị trường thế giới của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao. Cùng với đó là rủi ro từ biến động của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và 3/4 giá trị xuất khẩu là từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong thời gian tới, với việc tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia CPTPP và EVFTA.
Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự hưởng lợi thì cần thiết phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể khai thác và tận dụng tốt hơn các lợi ích từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Theo ông Nghĩa, mặc dù việc xuất khẩu của Việt Nam có những tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, nhưng nửa cuối năm 2022 và đầu 2023, hoạt động xuất khẩu đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam chịu ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc tận dụng lợi thế từ các FTA, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, thì các biện pháp và giải pháp tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng.
Để các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn
Hiện, các ngân hàng và các tổ chức tài chính đã có nhiều chương trình ưu đãi, chương trình tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với các dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng (như thư tín dụng, bảo lãnh, nhờ thu…) cùng những dịch vụ hỗ trợ tránh các rủi ro về tỷ giá để từng bước cải thiện giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, phát triển khách hàng, thị trường trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.
Theo ông Bùi Trung Nghĩa, thời gian qua, VCCI đã hợp tác với các ngân hàng - trong đó có các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank… hay Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa - và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những hoạt động kết nối giữa các tổ chức tài chính với doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, tại Phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho rằng việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn. TS. Cấn Văn Lực dẫn các số liệu do các cơ quan chức năng thống kê cho thấy, cuối tháng 5/2023 dư nợ doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế.
“Dư nợ của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 19,5% dư nợ của nền kinh tế. Con số này là thấp”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Theo ông, các rào cản khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn bao gồm: Rủi ro cao hơn do thiếu thông tin minh bạch, quản trị chưa theo chuẩn mực; thiếu tài sản đảm bảo; định hạng tín nhiệm chưa có hoặc ở mức thấp... Cùng đó là các vấn đề khác như yêu cầu về vốn tối thiểu và dự phòng rủi ro hơn từ đơn vị tài chính tín dụng khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.
Trong đó, các rào cản đến từ bản thân doanh nghiệp không hề nhỏ: lịch sử tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu; khó khăn trong việc chứng minh vốn góp bằng tài sản; báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng…
Về phía các tổ chức tín dụng, "nút thắt" chủ yếu nằm ở quy trình cho vay, yêu cầu hồ sơ phức tạp; một số chi phí ngoài lãi và chi phí chính thức, kỳ hạn vay vốn không phù hợp…
Để giải tỏa các khó khăn này, những giải pháp cũng được các chuyên gia đưa ra.
“Phương thức hỗ trợ vốn trên nền tảng công nghệ số tương đối mới và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Thông qua nền tảng công nghệ, chi phí chiết khấu sẽ giảm và công khai minh bạch hơn”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Bổ sung thêm vào những giải pháp này, bà Letitia Châu - đại diện OLEA - cũng chia sẻ về giải pháp tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ số của OLEA. Qua đó, OLEA cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn quá trình tiếp cận và triển khai, nhanh chóng có nguồn tài chính để bổ sung cho hoạt động của mình, sớm đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay cùng nhiều năm tới.