Kinh tế báo chí trong xu thế chuyển đổi số

Sự lên ngôi của công nghệ 4.0 đòi hỏi việc số hóa trong báo chí là đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là cùng với chuyển đổi số, yếu tố tổ chức hoạt động kinh tế báo chí thế nào cho phù hợp với đòi hỏi đặt ra.

Chuyển đổi số là một khái niệm phát triển từ công nghệ thông tin (CNTT) với sự xuất hiện của các công nghệ đột phá từ cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Chuỗi khối (Blockchain) và Internet vạn vật (IoT). Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh rằng chuyển đổi số không chỉ là một sự thay đổi công nghệ mà còn là một thay đổi từ nhận thức và quyết tâm của người lãnh đạo.

Kinh tế báo chí trong xu thế chuyển đổi số

Kinh tế báo chí số là một phần của kinh tế truyền thông số, đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội hiện đại. Báo điện tử, nhờ vào công nghệ số, đã có thể chuyển tải thông tin tới độc giả một cách nhanh chóng và phong phú hơn so với các loại hình báo chí truyền thống. Các cơ quan báo chí đã bắt đầu xây dựng tòa soạn hội tụ đa phương tiện, sử dụng AI và Big Data để tạo ra những trải nghiệm mới và hấp dẫn cho công chúng. Bên cạnh đó, việc sản xuất nội dung chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi. Những sản phẩm báo chí mới tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, như phỏng vấn trực tuyến, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Như vậy, kinh tế truyền thông số đã tiệm cận dần với khái niệm mà từ trước tới nay ít được nhắc tới: Đó là kinh tế báo chí số.

Báo điện tử là một ngành kinh tế truyền thông số

Hiện nay các tập đoàn truyền thông đang phát triển ngày càng mạnh mẽ góp phần đưa truyền thông trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu giải trí, thông tin... của công chúng. Người ta cho rằng, các cơ quan truyền thông đại chúng đều là cơ quan của Đảng, của Nhà nước, là công cụ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, có trách nhiệm tuyên truyền, định hướng của Đảng, Nhà nước và đoàn thể đến người dân. Thông tin, sản phẩm chủ yếu của ngành truyền thông đã và đang được coi là một thứ hàng hoá, có thể là một loại hàng hoá đặc biệt, nhưng vẫn có đầy đủ thuộc tính của một loại hàng hoá. Nghĩa là có một cộng đồng người sản xuất ra nhưng không phải để tự phục vụ mà để đáp ứng nhu cầu xã hội và có thể trao đổi, mua bán.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, kinh tế truyền thông số phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, công chúng chưa hài lòng về các sản phẩm dành cho họ. Chính những nhu cầu này của thị trường đã tạo ra một khả năng, một động lực lớn cho các tập đoàn truyền thông ở Việt Nam hình thành và phát triển. Các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số và hòa theo sự phát triển của kinh tế báo chí số để tồn tại và tìm cách chuyên nghiệp hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển trong bối cảnh mới.

Truyền thông trong bối cảnh số hóa nền kinh tế 4.0 cũng trở thành một ngành quan trọng của một quốc gia, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Nói một cách khác, đó là ngành kinh tế truyền thông số hay kinh tế báo chí số cũng và cũng là công cụ giúp cho người tiêu dùng phản ánh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các nhà sản xuất một cách kịp thời và nhanh chóng. Sự xâm nhập của báo chí, truyền thông số vào nền kinh tế đã tạo nên một ngành kinh tế truyền thông số.

Chuyển đổi số trong báo chí

Chúng ta không thể phủ nhận sự cần thiết chuyển đổi số trong báo chí, báo chí là một dạng truyền thông “sắc bén” nhất, chuyển đổi số trong báo chí trong nằm ở vấn đề công nghệ mà xuất phát từ con người, tư duy và tự thân của các cơ quan báo chí phải nhận thức được sự cấp thiết và không làm theo trào lưu. Theo các chuyên gia, nếu báo chí trì trệ quá trình chuyển đổi số là nguy cơ khiến các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả, mất nguồn thu. Chuyển đổi số là “cây bút đẹp nhất vẽ” lại bức tranh của báo chí Việt Nam, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời các vấn đề.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet và các loại hình truyền thông đã tạo ra sức ép lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải tìm ra phương hướng phát triển thích hợp, nếu như muốn sản phẩm thông tin được công chúng tiếp nhận. Một số tờ báo đơn nhất đã trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện với việc xuất bản đồng thời nhiều loại hình sản phẩm báo chí khác nhau như: nhật báo, tuần báo, nguyệt san, chuyên san, báo buổi chiều, báo mạng điện tử gắn với các hệ sinh thái về truyền thông số. Chuyển đổi số không còn là nâng cao nhận thức và làm từ từ nữa mà phải làm nhanh và là sự tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh cực kỳ gay gắt của nền kinh tế truyền thông số.

Kinh tế số của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Theo Báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%, nước có mức tăng cao tiếp theo là Indonesia với 11%, và Thái Lan 7% (xem hình). Báo cáo này cũng dự báo đến năm 2025 kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Có thể nói, cùng với các trang thương mại điện tử thì báo chí cũng đang được thương mại hóa, tham gia vào kinh tế số, phát triển chuyển đổi số trong kinh tế báo chí.

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Theo thông tin TTXVN, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Nhìn chung các cơ quan báo chí đã phát triển chuyển đổi số trong báo chí, trở thành phương tiện hoàn thiện kinh tế báo chí số, nhưng hiện nay nhiều cơ quan báo chí vẫn chỉ nghĩ đơn giản có một trang web, có tờ báo điện tử là đã lên không gian số. Một số báo có mở chức năng bình luận cho độc giả và bắt đầu web 2.0 nhưng không nắm được dữ liệu của người đọc. Như vậy chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt.

Thực tế vấn đề phát triển kinh tế truyền thông ở các cơ quan báo chí, truyền thông cho thấy tiếp cận về kinh tế truyền thông bản chất vẫn là kinh doanh quảng cáo với các sản phẩm là thông tin hay một số tác giả cũng mới nghiên cứu và đề cập tới một thuật ngữ mới trong các cơ quan báo chí đó là “kinh tế báo chí”. Trong quá trình phát triển kinh tế truyền thông ở Việt Nam, đã có những mô hình tốt, nhưng cũng còn một số những bất cập, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý ngành kinh tế truyền thông số.

Việt Nam đã và đang hội nhập, chuyển đổi số quốc gia rất mạnh mẽ và đang là động lực và yếu tố cơ bản để phát triển nền kinh tế số. Chính kỹ thuật, công nghệ số và internet 4G rồi tiến tới 5G là yếu tố có vai trò quyết định tính chất môi trường truyền thông số với đặc tính nổi trội là khả năng siêu kết nối. Môi trường truyền thông số đã và đang tạo những cơ hội vàng cho truyền thông - giao tiếp xã hội để hình thành ngành kinh tế truyền thông số trong nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển chưa từng có; phương tiện truyền thông mới, truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm lên ngôi. Từ đó dẫn đến hình thành các hệ sinh thái số tạo môi trường và nền tảng cho các ngành kinh tế phát triển và đương nhiên nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho lĩnh vực này cũng ngày càng phát triển mạnh lên.

Hiện nay, kinh tế truyền thông số, xã hội số, chuyển đổi số hay kinh tế chia sẻ, kinh tế số… là những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trên các hạ tầng, nền tảng truyền thông. Chuyển đổi số trong báo chí là vấn đề tất yếu, báo chí là lĩnh vực đặc thù và cần một chiến lược chuyển đổi số riêng trên cơ sở phát triển kinh tế báo chí số. Chiến lược sẽ giải quyết các bài toán khó cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, cần một hành lang pháp lý để hành trình chuyển đổi số báo chí đảm bảo hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến thay đổi tư duy truyền thống để phù hợp với xu thế chuyển đối số.

Thực tế chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng, là thay đổi cách vận hành của cả đơn vị và trong một số trường hợp còn tạo ra mô hình kinh doanh mới. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi, cách xây dựng bộ máy..., thì việc đầu tư công nghệ sẽ không mang lại nhiều lợi ích.

Có thể bạn quan tâm