Đây là cuộc họp quan trọng với sự tham gia của Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Trước đó, một cuộc họp với thành phần tương tự đã được tổ chức tại Hà Nội để cho ý kiến bước đầu đối với Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035 (nội dung Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội).
Đây cũng chính là những bước đi quan trọng đầu tiên trong việc hoàn thiện bản đề án đầy tham vọng với những cơ chế, chính sách mới, chưa từng có tiền lệ trước khi trình cấp có thẩm quyền tham gia với hy vọng tạo ra bước đột phá trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Thủ đô và TP.HCM.
Cần phải nói thêm, Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035.
Để có thể tiệm cận mục tiêu Kết luận số 49 về phát triển đường sắt đô thị, trong vòng 10 năm tới, Hà Nội sẽ hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301 km/397,8 km (khoảng 76% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị); đến năm 2045 sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị điều chỉnh, bổ sung thêm theo Quy hoach Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh.
Tại TP.HCM, đến năm 2035, chính quyền địa phương phải hoàn thành khoảng 183 km đường sắt đô thị; đến năm 2045 hoàn thành thêm 168 km, nâng tổng số tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08 km.
Được biết, nếu lấy dấu mốc là năm 1998 khi những tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội và TP.HCM được phê duyệt chủ trương đầu tư, thì cả nước đã có hơn 25 năm đầu tư vào loại hình được coi là chìa khoá giải quyết bài toán giao thông tại các đô thị lớn. Song đến thời điểm này, Việt Nam mới có duy nhất 1 tuyến đường sắt đô thị dài khoảng 10 km được đưa vào khai thác. Tất cả kế hoạch phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều bị phá sản, các dự án đường sắt đô thị hầu hết rơi vào điệp khúc “đội vốn, kéo dài thời gian” trong sự ngán ngẩm của người dân 2 thành phố lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, sự thiếu chủ động trong việc bố trí nguồn lực đầu tư, mức độ tham gia của doanh nghiệp trong nước chưa cao... Các dự án, về cơ bản vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, do đó chưa tạo ra được thị trường đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp trong nước quan tâm. Đồng thời, việc phụ thuộc công nghệ đường sắt theo tính chất nguồn vốn khiến việc tiếp cận của doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.
Điều này càng cho thấy nhu cầu bức thiết phải có tư duy mới, cách làm mới mang tính đột phá trong phát triển đường sắt đô thị. Đó không chỉ là việc huy động cả trăm tỷ USD vốn đầu tư, xác định lộ trình đầu tư phù hợp, mà còn là phương thức triển khai hiệu quả để có kết quả 1 năm bằng cả 25 năm đầu tư giai đoạn trước đó.
Dĩ nhiên, việc phát triển đường sắt đô thị là trách nhiệm trước hết của chính quyền Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và Bộ GTVT. Tuy nhiên, để các bản đề án không đi vào vết xe đổ, thì quá trình xây dựng Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM cần triển khai nghiêm túc, công phu, toàn diện, thận trọng và kỹ lưỡng, với sự tham gia có trách nhiệm của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần huy động các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước có chuyên môn cao, tâm huyết tham gia cùng đề xuất các giải pháp đúng, trúng.
Đặc biệt, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, khởi đầu chính là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông - vận tải đường sắt đô thị, từ đó tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong việc cụ thể mục tiêu đầy thách thức này.