Lộ diện những tập đoàn ngân hàng - tài chính
Cuối tháng 4/2022, VPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo tài liệu trình Đại hội, VPBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch mua lại gần như toàn bộ vốn của Công ty cổ phần Bảo hiểm Opes. Như vậy, cùng với hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với AIA, VPBank lại tiếp tục tiến sâu vào thị trường bảo hiểm, cả phân khúc bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ.
Đầu năm nay, VPBank đã mua phần lớn cổ phần Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities, đồng nghĩa đẩy mạnh mảng kinh doanh chứng khoán, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư chứng chỉ quỹ… Trước đó, VPBank cũng bắt tay với VinaCapital nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư cho khách hàng.
Kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh của VPBank chưa dừng lại khi Ban lãnh đạo Ngân hàng vẫn tiếp tục ấp ủ nhiều kế hoạch mua bán, sáp nhập (M&A) chưa thể công bố. Với quy mô vốn điều lệ dự kiến vượt 79.000 tỷ đồng cuối năm nay, đồng thời hệ sinh thái liên tục mở rộng, VPBank hiện nay mang bóng dáng của một tập đoàn tài chính, không đơn thuần là một ngân hàng thương mại.
Những năm gần đây, MB cũng tự xưng là MB Group bởi hệ sinh thái đa dạng của mình. Hiện MB có tới 6 công ty con: Công ty Mua bán nợ MB AMC, Công ty Chứng khoán MBS, Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital), Công ty cổ phần Bảo hiểm quân đội (MIC), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB khẳng định, định hướng của ngân hàng này là xây dựng và triển khai mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng (MB Group).
Kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh của VPBank chưa dừng lại. Ảnh: Đức Thanh.
Không chỉ VPBank hay MB, nhiều ngân hàng trên thị trường ngày càng hướng tới mô hình tập đoàn. Theo đó, chỉ cần truy cập ứng dụng (app) ngân hàng, khách hàng không chỉ sử dụng dịch vụ của một ngân hàng thương mại bình thường như: thanh toán hóa đơn mua sắm, gửi tiền, vay tiền…, mà còn có thể thỏa mãn tất cả nhu cầu đầu tư như mua chứng khoán, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm…
Thậm chí, không chỉ nhắm tới mô hình tập đoàn tài chính trong nước, một số ngân hàng còn hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính đa quốc gia. Một số ngân hàng đã thành lập ngân hàng con ở nước ngoài, hoặc bắt tay với các tập đoàn tài chính quốc tế lập các liên doanh trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động.
Chiếc áo “ngân hàng thương mại” đã quá chật
Việc ngân hàng thương mại đẩy mạnh các hoạt động đầu tư mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Tân Hoàng Minh đổ vỡ và ngân hàng hiện nắm giữ khoảng 3.000 tỷ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp này là ví dụ điển hình của rủi ro ngân hàng đầu tư. Nếu nhà đầu tư rút vốn hàng loạt, hiệu ứng lan tỏa tới toàn thị trường rất khó lường.
Tại Mỹ, sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, nước này đã tách bạch mô hình ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Tại Việt Nam, các ngân hàng trước đây hoạt động chủ yếu với bóng dáng ngân hàng thương mại, song hoạt động đầu tư của ngân hàng ngày càng mở rộng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động ngân hàng đầu tư mở rộng sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: ngân hàng mang tiền gửi của người dân đi kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, rót vốn cho các dự án bất động sản… Nếu các thị trường này đổ vỡ, hậu quả sẽ rất nặng nề, giống như ở Mỹ. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng chưa có quy định cụ thể về ngân hàng đầu tư.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước siết khá chặt tín dụng bất động sản, đồng thời siết cả hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ từ hoạt động đầu tư như lo ngại khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, quy mô của các ngân hàng ngày càng lớn, nhu cầu của nhà đầu tư cũng ngày càng đa dạng buộc ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm đầu tư tài chính phục vụ nhà đầu tư.
Với quy mô hoạt động ngân hàng đầu tư tại Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng, chưa nhất thiết phải tách bạch ngân hàng đầu tư - ngân hàng thương mại, song việc bổ sung quy định về hoạt động ngân hàng đầu tư là rất cần thiết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc bổ sung các quy định về ngân hàng đầu tư vào Luật Các tổ chức tín dụng, tiến tới xem xét thành lập ngân hàng đầu tư (tách bạch với ngân hàng thương mại) để kiểm soát rủi ro, đồng thời giúp ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm (như trái phiếu công trình, trái phiếu tổng hợp; các loại trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm; chứng khoán hóa trái phiếu, chứng khoán hóa tài sản…) là cần thiết.