|
Nghị định 168/2024 có hiệu lực thi hành từ 1.1 vừa qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, từ việc nâng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông. Cạnh đó là thời điểm áp dụng nghị định này (ban hành ngày 26.12.2024, đến ngày 1.1.2025 - 6 ngày sau - đã có hiệu lực thi thành). Vì sao lại như vậy?
Đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho hay, sau 5 năm thi hành Nghị định 100/2019, thực tế đã phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Ngoài ra, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 cũng đòi hỏi phải có nghị định nhằm thực thi luật mới.
Xuất phát từ tính cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, trong quá trình soạn thảo Nghị định 168/2024, các cơ quan có thẩm quyền đã họp, xem xét, quyết định ban hành nghị định này theo trình tự rút gọn.
Cùng với việc tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông có tính chất cố ý, nguy hiểm, Nghị định 168/2024 còn quy định rõ việc trừ điểm giấy phép lái xe - nội dung mới được quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại diện C08 cho biết thêm, do nghị định này có phạm vi tác động lớn, để đảm bảo chất lượng, các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan thảo luận rất kỹ lưỡng. Dự thảo nghị định cũng được đăng tải và lấy ý kiến góp ý rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an cũng như cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Trình tự rút gọn là gì, khi nào áp dụng?
Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho hay theo quy định tại luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình thông thường để xây dựng, ban hành một nghị định bao gồm các bước: đề nghị xây dựng nghị định; lấy ý kiến đối với đề nghị; thẩm định đề nghị; Chính phủ, Thủ tướng xem xét, thông qua đề nghị; lấy ý kiến dự thảo nghị định; thẩm định dự thảo; xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành nghị định; trình xem xét, thông qua dự thảo…
Bên cạnh quy trình thông thường, luật cũng quy định 5 trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có nghị định) theo trình tự, thủ tục rút gọn:
- Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
- Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
- Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
- Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Vẫn theo luật sư Tâm, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cũng có sự khác nhau tương ứng với quy trình xây dựng, ban hành.
Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở T.Ư.
Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, nhưng phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở T.Ư.