Theo danh sách tỷ phú USD do Tạp chí Forbes công bố hồi đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận 6 cá nhân sở hữu tài sản trên 1 tỷ USD.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng trị giá 7,3 tỷ USD.
Xếp thứ 2 là bà chủ hãng hàng không Vietjet - Nguyễn Thị Phương Thảo - với khối tài sản 2,8 tỷ USD. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, lần lượt xếp các vị trí sau với khối tài sản 2,2 tỷ USD và 1,6 tỷ USD.
Hai vị trí còn lại thuộc về ông Trần Bá Dương và gia đình - ông chủ Tập đoàn Thaco - với khối tài sản 1,6 tỷ USD và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan với 1,2 tỷ USD.
Ông chủ Hòa Phát giàu thứ 2 Việt Nam
Sau hơn một năm, cả 6 cái tên này vẫn nằm trong danh sách tỷ phú USD thế giới, với hầu hết tài sản đều đã gia tăng hàng trăm triệu USD.
Theo dữ liệu cập nhật từ Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long đã tăng 103 triệu USD trong 24 giờ qua, nâng tổng giá trị tài sản ròng ông chủ Hòa Phát nắm giữ đến 1/3 lên 3,2 tỷ USD. Nếu so với một năm trước, giá trị tài sản của ông Long đã tăng tới 1 tỷ USD.
Ông Long cũng là tỷ phú Việt Nam có tốc độ gia tăng tài sản ròng mạnh nhất một năm gần đây.
Với việc giá tăng 1 tỷ USD tài sản ròng, ông Long đã vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo để trở thành người giàu thứ 2 Việt Nam. Đồng thời, khối tài sản này cũng đưa ông Long lần đầu vào danh sách 1.000 người giàu nhất thế giới. Hiện chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đang xếp thứ 997 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Ông Trần Đình Long hiện sở hữu khối tài sản ròng trị giá 3,2 tỷ USD, giàu thứ 2 Việt Nam, theo thống kê của Forbes. Ảnh: Hoàng Hà.
Nếu so với lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes năm 2018, khối tài sản ròng của ông Trần Đình Long đã tăng tới 1,9 tỷ USD, đưa ông từ vị trí 1.756 lên 997 hiện tại.
Theo Forbes, tài sản ròng của các tỷ phú USD được tạp chí định giá dựa trên lượng cổ phiếu nắm giữ trong các công ty, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ. Trong đó, nguồn tài sản chính của ông Trần Đình Long được Forbes xác định đến từ số cổ phần vị doanh nhân này nắm giữ tại Tập đoàn Hòa Phát.
Trên thị trường, dù đã giảm gần 20% kể từ đỉnh tháng 10/2021, tuy nhiên, giá cổ phiếu HPG hiện vẫn cao hơn gần 40% so với một năm trước. Nhờ đó mà khối tài sản ròng của ông chủ tập đoàn này tăng cao.
Tại Hòa Phát, ông Long và những người thân trong gia đình hiện là cổ đông lớn nhất với hơn 35% vốn nắm giữ. Với vốn hiện tại khoảng 211.000 tỷ đồng, tương đương 9,2 tỷ USD quy đổi, riêng lượng cổ phần ông Long và gia đình sở hữu tại doanh nghiệp này đã có giá trị hơn 3,2 tỷ USD.
Cũng tại danh sách cập nhật đến ngày 1/3, tổng tài sản ròng của 6 tỷ phú USD Việt Nam vào khoảng 18,3 tỷ USD, cao hơn 1,6 tỷ USD so với đầu năm 2021.
Ngoài ông Trần Đình Long ghi nhận giá trị tài sản ròng tăng 1 tỷ USD một năm qua, giá trị tài sản ròng của 3 tỷ phú USD khác cũng tăng mạnh.
Trong đó, giá trị tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã tăng 100 triệu USD, hiện ở mức 2,9 tỷ USD, giàu thứ 3 Việt Nam và xếp thứ 1.113 thế giới.
Theo sau là ông Hồ Hùng Anh với 2,5 tỷ USD tài sản ròng, tăng 900 triệu USD so với một năm trước, giàu thứ 4 Việt Nam và thứ 1.267 thế giới. Ông Nguyễn Đăng Quang giai đoạn này gia tăng khối tài sản ròng 800 triệu USD, hiện sở hữu 2 tỷ USD tài sản, giàu thứ 5 trong nước và thứ 1.526 thế giới.
Xếp ở vị trí cuối là ông Trần Bá Dương và gia đình với khối tài sản 1,6 tỷ USD, không thay đổi so với năm trước, hiện xếp thứ 1.902 thế giới.
Tỷ phú Việt Nam duy nhất ghi nhận sụt giảm tài sản ròng trong vòng 1 năm qua là ông Phạm Nhật Vượng. Dù vẫn là người giàu nhất trong nước nhưng khối tài sản của ông chủ Tập đoàn Vingroup hiện chỉ còn 6,1 tỷ USD, giảm 1,2 tỷ USD so với một năm trước.
Theo Forbes, phần lớn tài sản của ông Vượng đến từ số cổ phần sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Vingroup, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chính điều này đã khiến tài sản ròng của ông Vượng giảm mạnh khi giá cổ phiếu VIC đang trong xu hướng giảm liên tục.
Theo đó, kể từ khi đạt đỉnh hơn 128.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2021, thị giá VIC đã giữ xu hướng giảm liên tục. Thậm chí, từ cuối năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu này đã lao dốc một mạch từ vùng 106.000 đồng xuống mức 78.000 đồng hiện tại, tương đương mức giảm ròng hơn 26%.
Chỉ trong tháng 2 vừa qua, thị giá cổ phiếu này cũng đã mất gần 20% giá trị. So với mức đỉnh đạt được hồi tháng 4/2021, thị giá hiện tại của VIC đã thấp hơn gần 40%, khiến vốn hóa doanh nghiệp sụt giảm hàng tỷ USD.