“Thổ lâu” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ những ngôi nhà có hình dạng vuông, bầu dục, và ngũ giác được xây dựng bằng đất. “Phúc Kiến Thổ Lâu” ý chỉ chung những ngôi nhà bằng đất tại Phúc Kiến – một tỉnh của Trung Quốc. Các ngôi nhà này đều được người Khách Gia xây dựng, nằm ở vùng núi phía đông nam tỉnh Phúc Kiến.
Một thổ lâu là một cấu trúc lớn bằng đất, có hình dạng phổ biến là tròn hoặc chữ nhật, với những bức tường có độ dày rất lớn cao từ ba đến năm tầng và bên trên cùng lợp ngói. Những bức tường được tạo bằng cách trộn đất nện với đá, tre, gỗ hoặc các vật liệu có sẵn khác để tạo thành những bức tường dày đến 1,8m.
Những bức tường dày và kiên cố này sẽ giúp bên trong ngôi nhà ấm áp vào mùa đông nhưng lại mát mẻ vào mùa hè. Thổ lâu thường chỉ có một cổng chính được che chắn bởi bốn cánh cửa gỗ dày từ 100 – 130mm, nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng và lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất.
Bên trong những bức tường dày này là những sảnh, nhà kho, giếng và khu vực sinh hoạt, toàn bộ cấu trúc giống như một thành phố pháo đài nhỏ. Ở giữa thổ lâu thường là một sân trời có giếng nước, chỗ thờ cúng tổ tiên và là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như hiếu, hỉ. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải.
Một thổ lâu có sức chứa có thể lên tới 800 người. Tất cả các căn hộ trong thổ lâu được xây dựng giống nhau, các tài sản chung như giếng nước, cây trái trong thổ lâu cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào. Ngoài ra, tầng cao nhất của mỗi thổ lâu đều được trang bị những lỗ súng nhằm mục đích phòng thủ khi bị tấn công.
Nhờ sự bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội cùng kiến trúc thuận lợi cho phòng thủ đã giúp cho Phúc Kiến Thổ Lâu dễ dàng hơn trong việc chống lại nạn trộm cướp hoành hành ở miền Nam Trung Quốc. Hầu hết các thổ lâu ở Phúc Kiến được xây dựng từ thế kỷ 12 đến 20 và tổng cộng có 46 thổ lâu ở Phúc Kiến đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 7 năm 2008.