Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO, bao gồm hệ thống các di tích liên quan đến triều Nguyễn, phân bố ở thành phố Huế và các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc... Vì thế, đây là một trong những địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Lượng khách đến Quần thể di tích Cố đô Huế cao kỷ lục
Năm nay, theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, từ ngày 29/4 đến 1/5, tổng lượng khách đến Huế ước đạt gần 80.000 người, lượng khách lưu trú đạt 42.000 lượt. Công suất buồng cơ sở lưu trú đạt gần 95%. Trong đó, các khách sạn 1-5 sao và các homestay đều kín phòng. Tổng thu du lịch ước đạt 112 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái lượng khách đến Huế tăng hơn 50%, lượng khách lưu trú tăng 45%, doanh thu du lịch tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận, các tuyến đường quanh kinh thành Huế rất đông du khách ngoại tỉnh, quốc tế. Các quầy bán vé trước cổng Ngọ môn, Đại nội Huế, du khách xếp hàng dài chờ đến lượt mua vé vào tham quan di tích.
Cũng theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, chỉ riêng ngày 1/5 vừa qua, quần thể di tích Cố đô Huế đón lượng khách kỷ lục, với hơn 24.000 khách mua vé vào tham quan.
Tính tổng thể 3 ngày lễ, du khách đến khu di sản Huế cao kỷ lục, đạt hơn 54.000 lượt (cao gấp đôi cùng kỳ 2022, đón 27.063). Riêng ngày 1/5, khu di sản Huế đón 24.313 khách mua vé vào tham quan, cao nhất từ trước đến nay.
Dự kiến, đến hết đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày năm nay, tổng lượng khách đến Huế có thể đạt hơn 100 ngàn lượt.
Nhiều hoạt động mới mẻ và hấp dẫn
Lượng khách đến Thừa Thiên - Huế dịp lễ năm nay đông nhờ hiệu ứng của tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế và các lễ hội hưởng ứng của các địa phương. Ngoài ra, ngành du lịch đã tạo một số sản phẩm dịch vụ hấp dẫn thu hút du khách như phố đi bộ, điểm check-in mới ở các địa phương.
Du khách đến Huế dịp nghỉ lễ được hòa mình vào không khí lễ hội của Festival nghề truyền thống Huế với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt". Lễ hội được ngành du lịch địa phương tổ chức công phu, bài bản với nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách.
Tại sự kiện, có 37 nghệ nhân của 6 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự. Đặc biệt là sự tham gia của đoàn biểu diễn nghệ thuật cà kheo (Bỉ), nhạc cụ truyền thống, biểu diễn Kpop, biểu diễn võ thuật nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn Hàn phục và hát diễn xướng (Hàn Quốc).
Festival nghề truyền thống Huế quy tụ 21 nhóm nghề với sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước.
Trong quý 1 vừa qua, lượng khách du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế ước đạt 633.000 lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 256.000 lượt, gấp 55 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.415 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ...
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động Festival Huế 2023 gắn với định hướng festival bốn mùa. Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", Festival Huế 2023 gồm hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục bốn mùa trong năm.
Lịch trình chuỗi hoạt động Festival Huế 2023 gồm: Lễ hội Mùa Xuân với chủ đề "Xuân Cố đô" diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3/2023, Lễ hội Mùa Hạ với chủ đề "Kinh thành tỏa sáng" diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6/2023, Lễ hội Mùa Thu với chủ đề "Huế vào thu" diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9/2023, Lễ hội Mùa Đông với chủ đề "Mùa đông xứ Huế" diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2023.
Điểm nhấn của Festival Huế 2023 là Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" diễn ra từ 28/4 - 5/5/2023.