Ngày 11/1, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết kế hoạch hợp tác triển khai Chương trình Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững (SPMF) năm 2024.
Trong năm đầu tiên triển khai cụ thể hóa nội dung Chương trình SPMF, Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam sẽ tiến hành rà soát, đánh giá và kiện toàn hệ thống chính sách quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học, tiên tiến, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và quy định của các nước.
Hai đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tiên tiến về thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng các nền tảng, đào tạo, tập huấn và đổi mới phương thức tiếp cận nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng các giải pháp mới và kết quả hợp tác giữa Cục và Croplife Việt Nam trong việc triển khai khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững.
Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch CropLife Việt Nam, cho rằng đẩy mạnh hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác ngành tại Việt Nam là điều kiện tiên quyết để đảm bảo Chương trình SPMF thành công. Những kết quả của chương trình này sẽ góp phần nâng cao năng lực của ngành nông nghiệp, đảm bảo các mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững của Bộ NN-PTNT như chuyển giao kỹ thuật phát triển; đào tạo chuyên môn cho nông dân; nâng cao năng lực quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện chính sách quản lý tương ứng với kinh tế toàn cầu.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đề nghị ngay sau lễ ký kết này, hai đơn vị sẽ xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên, chi tiết từng nội dung để triển khai trong thời gian tới đảm bảo đúng các nội dung của Chương trình SPMF năm 2024 được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.
Trước đó, tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật và CropLife châu Á đã ký kết hợp tác Chương trình SPMF giai đoạn 2023 - 2028, khẳng định cam kết của CropLife hỗ trợ Bộ NN-PTNT trong quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực và môi trường bền vững hơn để bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.