Cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất trong đợt điều chỉnh gần đây, nhưng biên độ tăng vẫn lớn nếu so với mức đáy cuối tháng 1.
Lo ngại tác động từ diễn biến phức tạp của đại dịch tới kinh tế và hoạt động doanh nghiệp, khả năng thu hẹp biên lãi ròng, khiến các mã ngân hàng chịu áp lực bán ra ồ ạt trong hai tháng gần đây.
Trong số 27 cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán, chỉ có duy nhất NVB giảm dưới 10% so với mức đỉnh, chủ yếu do kỳ vọng đổi chủ tại ngân hàng này. Phần còn lại của nhóm này, tính tới cuối phiên 1/9, giảm trong khoảng 10-30% so với mức giá đỉnh cuối tháng 6, con số này cao hơn đáng kể so với mức điều chỉnh hơn 6% của VN-Index.
Trong top 10 về thị giá cổ phiếu, ba mã giảm trên 20% so với mức đỉnh là CTG, STB và VIB. Riêng VIB đứng đầu nhóm ngân hàng với mức điều chỉnh tới 32%. Ở những mã còn lại, mức giảm phổ biến trong khoảng 10-20%.
Mặc dù biên độ giảm là mạnh nhất so với các nhóm cổ phiếu khác trong nhịp điều chỉnh gần đây của thị trường, nhưng nếu xét từ đầu năm, các mã ngân hàng vẫn giữ sắc xanh áp đảo.
VPB giảm 15% so với mức đỉnh cuối tháng 6 nhưng tăng hơn 100% nếu so với mức thấp nhất xác lập vào cuối tháng 1. Tương tự, SSB, SHB, LPB cũng đạt biên độ tăng ba chữ số. NVB là mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng, với biên độ tăng hơn 160% so với đáy. So với thời điểm này, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang cao hơn trên 50%.
Nhóm tăng khiêm tốn nhất là các nhà băng quốc doanh. BID, sau khi giảm hơn 20% so với mức đỉnh cuối tháng 6, đã về gần sát mức thấp nhất kể từ đầu năm. VCB cũng chỉ cao hơn 10% so với đáy cuối tháng 1, còn CTG dù giảm mạnh nhất trong ba mã này nhưng vẫn tăng hơn 36% so với mức thấp nhất.
Nhịp điều chỉnh gần đây của nhóm ngân hàng diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, đặc biệt là vấn đề biên lãi ròng (NIM) và nợ xấu. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao cũng khiến triển vọng mở rộng tín dụng, tăng trưởng trong nửa cuối năm gặp thách thức.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm dự báo tổng thu nhập hoạt động sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhưng mức tăng sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm khi Ngân hàng Nhà nước trở nên thận trọng trong việc cấp hạn mức tín dụng.
Ngoài ra, NIM có thể cũng sụt giảm nhẹ và bảng cân đối mở rộng thận trọng hơn, thu nhập lãi thuần trong 6 tháng cuối năm dự kiến cũng tăng trưởng chậm hơn nửa đầu năm nay.
Ngược lại, yếu tố hỗ trợ cho nhóm này là mức nền thấp trong hai quý cuối năm 2020, có thể giúp tăng trưởng hai quý cuối năm nay vẫn ở mức tích cực.
"Chúng tôi cho rằng nền so sánh đối với thu nhập lãi sẽ còn thuận lợi trong quý III và tăng cao trong IV. Xu hướng của NIM, tăng trưởng tín dụng và bảng cân đối là tương tự", báo cáo viết.