Giai đoạn đại dịch Covid-19 chứng kiến một số lượng lớn nhân sự trung niên thuộc Gen X (sinh năm từ 1965 đến 1980) nghỉ việc.
Theo Financial Times, đây là sự lựa chọn chủ động của nhiều người lao động. Sau nhiều năm tham gia cuộc đua sự nghiệp, họ cảm thấy muốn dừng lại để nghỉ ngơi với nguồn tài chính dự trữ có sẵn.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều rời bỏ công việc của mình theo cách tự nguyện. Họ thất nghiệp do nhà tuyển dụng âm thầm tìm cách để loại bỏ nhân sự lớn tuổi - vốn là nhóm có mức lương cao hơn - để dành chỗ cho nhóm nhân viên trẻ thuộc thế hệ Millennials và Z.
Báo cáo của Trung tâm phân tích chính sách kinh tế Schwartz (Mỹ) cho thấy trong số một triệu người ở độ tuổi 55-74 rời bỏ thị trường lao động kể từ tháng 3/2020, có đến 400.000 người khao khát đi làm trở lại nhưng không thể tìm được việc.
Tại Anh, cho đến hiện tại, 228.000 nhân sự 50-64 tuổi không thể tìm việc. Trung tâm nghiên cứu tuổi tác Ageing Better khẳng định cơ hội việc làm cho nhóm nhân sự trên 50 tuổi chỉ bằng một nửa so với nhóm trẻ hơn.
Nhiều nhân sự Gen X bị sa thải trong đại dịch, nhường chỗ cho thế hệ Millennials và Z. Ảnh minh họa: Xinhua.
Phân biệt tuổi tác
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Tessa Charlesworth và Mahzarin Banaji, Đại học Harvard, Mỹ, những định kiến tiêu cực về tuổi tác trong xã hội còn dai dẳng, sâu sắc hơn cả sự phân biệt về chủng tộc và giới tính.
Dựa vào số liệu từ cuộc khảo sát trên 4 triệu người, họ nhận ra thái độ của cộng đồng đối với xu hướng tình dục, chủng tộc và màu da luôn được cải thiện trong suốt thập kỷ qua. Tuy nhiên, những thành kiến về người khuyết tật, thừa cân và đặc biệt là tuổi tác lại không hề giảm đi.
Charlesworth và Banaji dự đoán quan điểm của xã hội về cộng đồng LGBT có thể đạt đến sự trung lập trong 20 năm tới, nhưng điều tương tự sẽ không thể xảy ra với vấn đề độ tuổi.
Trên thực tế, người lao động Gen X thường thuộc vị trí quản lý cấp trung, có mức lương cao hơn người trẻ và dễ bị cắt giảm nếu doanh nghiệp gặp khó.
Theo Financial Times, việc sa thải nhóm nhân sự này có thể dẫn đến sai lầm bởi doanh nghiệp mất đi đội ngũ dày dặn kinh nghiệm và có tinh thần làm việc nhóm tốt, điều mà nhân sự trẻ chưa thể có được.
Phương Tây là nền kinh tế bị ám ảnh bởi tuổi trẻ, công nghệ và sự linh hoạt. Rất nhiều công ty cho rằng cao tuổi đồng nghĩa với trì trệ mà quên đi rằng kinh nghiệm, trí nhớ cũng là những nhân tố quan trọng làm nên thành công bền vững.
Theo chuyên gia, việc sa thải nhân sự Gen X có thể dẫn đến sai lầm. Ảnh minh họa: iStock.
Nếp nhăn chỉ là vẻ bề ngoài
Ông Lee Iacocca, cựu giám đốc của Chrysler, một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước Mỹ, từng nói trên Wired rằng bản thân hoàn toàn phản đối việc nhìn vào tuổi tác để đánh giá năng lực làm việc của một người.
"Ở Chrysler, tôi có những nhân sự 40 tuổi nhưng làm việc chậm chạp như thể ông lão 80 và cũng có những người 80 tuổi nhưng có thể làm mọi thứ như một anh chàng 40 tuổi", ông nói.
Đồng quan điểm, Camilla Cavendish, nhà báo người Anh, người đứng đầu bộ phận chính sách Downing Street dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron (Anh), thành viên cấp cao tại Trung tâm Kinh doanh và Chính phủ Mossavar-Rahmani, Đại học Harvard Kennedy, cho biết từng gặp rất nhiều người dù cao tuổi nhưng vẫn làm việc đầy năng lượng, say mê và hiệu quả.
Trong một cuốn sách của mình, Cavendish kể về Bette Nash, một tiếp viên hàng không vẫn chinh phục bầu trời sau 60 năm làm việc. Cô cũng dẫn chứng về một CEO tên Clare, người ở tuổi 70 vẫn điều hành tổ chức từ thiện trẻ tuổi và dẫn dắt mọi thứ hiệu quả.
"Các nhà tuyển dụng phải đối mặt với một sự thật rằng các nhân sự cấp cao đã trở nên già cỗi và yêu cầu được trả lương cao hơn.
Nhưng rõ ràng ở độ tuổi của mình, họ vẫn có nhiều đóng góp hiệu quả mà hiếm người trẻ nào có được. Khi xã hội đang có những bước tiến để tháo gỡ định kiến về tuổi tác, các công ty cũng cần nhắc nhở bản thân rằng nếp nhăn cũng chỉ là bề ngoài", cô cho hay.