Theo Korea Herald trích dẫn Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 20/2, chính phủ nước này đang có kế hoạch thương mại hóa việc giao hàng bằng robot vào năm 2026 và tiến tới giao hàng bằng drone vào năm 2027.
Trong thông cáo báo chí của mình, cơ quan này khẳng định: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ phát triển công nghệ để thương mại hóa việc giao hàng không sử dụng sức lao động con người”. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ nỗ lực tạo ra một cơ sở thử nghiệm dành riêng cho việc vận chuyển bưu kiện bằng robot và drone cho các công ty tư nhân.
Để có thể tiến hành các kế hoạch trên và đảm bảo chúng được thực hiện một cách an toàn, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết sẽ đặt ra các nền tảng pháp lý. Một trong các khía cạnh quan trọng đang được nhắm tới chính là thiết lập các tiêu chuẩn an toàn dành riêng cho việc giao hàng bằng máy bay không người lái.
Trong bối cảnh đó, các trung tâm hoàn thiện đơn hàng vi mô, hay MFC, cũng sẽ được cấp giấy phép xây dựng tại các địa điểm quan trọng ở các thành phố lớn trên cả nước để có thể cắt giảm đáng kể thời gian giao hàng. MFC là cơ sở dự đoán nhu cầu đặt hàng và quản lý hàng tồn kho bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, để bắt đầu giao hàng ngay khi có đơn đặt hàng.
Với các trung tâm MFC này, chính phủ Hàn Quốc mong muốn mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó việc giao hàng có thể được thực hiện trong vòng 30 phút tới 1 giờ.
Bước đầu tiên để tiến tới tương lai này chính là thành lập một cơ quan tư vấn được gọi là Hội đồng Phát triển Hậu cần Thông minh bao gồm các công ty từ nhiều lĩnh vực khác nhau như hậu cần, nền tảng và công nghệ thông tin.
Cơ quan tư vấn sẽ được thành lập trong nửa đầu năm 2023 để đẩy nhanh việc khám phá các mô hình thương mại hóa tối ưu cho việc giao hàng không sử dụng sức lao động con người. Cũng trong năm nay, chính phủ Hàn Quốc sẽ thiết lập các khu vực thí điểm nơi xe tải không người lái có thể hoạt động.
Ở một diễn biến khác, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch thiết lập hệ thống hậu cần và giao thông ngầm sử dụng đường sắt đô thị vào năm 2027. Các sân bay ở Hàn Quốc được nhắm mục tiêu xây dựng hệ thống điều hành hàng không thông minh trong khi các nhà ga hàng hóa hiện tại sẽ được chuyển đổi thành nhà ga thông minh sử dụng phương tiện tự lái.
Để có thể biến Hàn Quốc thành một trung tâm hậu cần quốc tế, chính phủ sẽ đẩy mạnh việc phát triển một "hệ thống nền tảng hậu cần thông minh quốc gia”. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết sẽ tích hợp dữ liệu phân tán về hậu cần như thông tin về khối lượng vận chuyển trong và ngoài nước, về kho hậu cần và về xuất nhập khẩu.
Hệ thống giám sát quản lý an toàn phương tiện chở hàng, thu thập và phân tích dữ liệu về tốc độ và khoảng cách di chuyển của xe tải chở hàng thông qua giám sát thông tin vị trí theo thời gian thực, cũng sẽ được thiết lập vào năm 2027.
Nhờ sự tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ, trí tuệ nhân tạo và trong chuyển đổi số, chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách triển khai càng sớm càng tốt dịch vụ hậu cần thông minh.