Kích cầu tiêu dùng để kích thích tăng trưởng

Tạp chí Nhịp sống số - Cầu tiêu dùng suy yếu đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng lên động lực mở rộng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua, từ đó tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế. Cần làm gì để hóa giải thách thức này?
Kích cầu tiêu dùng

Tiêu dùng trì trệ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành sáu tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.016.800 tỉ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm 2022 so với năm trước nữa; nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,4%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2022.

Đáng lưu ý là trong mức tăng 3,72% của GDP sáu tháng đầu năm 2023, nếu xét theo góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 1,15%, đóng góp 6,28%; ngược lại tuy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, nhưng chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp đến 63,45%.

Nếu so sánh với con số tăng 6,42% của GDP sáu tháng đầu năm 2022, trong đó tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021, gấp gần 2,3 lần mức tăng 2,68% nói trên, mới thấy sức cầu tiêu dùng suy yếu đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế nào.

Không chỉ cầu tiêu dùng quốc tế sụt giảm, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn, đã ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, mà ngay cả cầu tiêu dùng nội địa cũng bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian qua.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 2-2023 cho thấy, trong số các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 2 vừa qua, đứng đầu là do nhu cầu thị trường trong nước thấp, với tỷ lệ 55,5% doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn; kế tiếp là vì khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, với tỷ lệ 47,2% và thứ 3 là nhu cầu thị trường quốc tế thấp, với tỷ lệ 34%.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, dẫn đến người lao động mất việc, giảm thu nhập nên buộc phải thắt chặt chi tiêu là tất yếu. Số liệu của TCTK cho thấy trong sáu tháng đầu năm nay có đến 100.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp giảm 4,2%, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,5% còn doanh nghiệp nước ngoài giảm 4,2%. Cũng theo TCTK, trong quí 2 vừa qua, số lao động bị mất việc là 217.800 người, tập trung ở các ngành gặp khó về đơn hàng như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện. Một dữ liệu khác cũng minh họa cho điều này là số thu thuế thu nhập cá nhân nửa đầu năm 2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 86.900 tỉ đồng, đây là mức giảm mạnh nhất trong chục năm trở lại đây.

Trong khi đó, theo báo cáo của S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6 nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ 4 liên tiếp, khi môi trường nhu cầu yếu đã khiến các công ty phải giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng, trong khi giá cả cũng giảm. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Cụ thể, tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm.

Kích cầu bằng nhiều giải pháp

Theo khảo sát của TCTK, 24,9% doanh nghiệp cho biết có đơn đặt hàng quí 2-2023 cao hơn quí 1-2023; 38,9% doanh nghiệp cho biết có đơn đặt hàng ổn định và 36,2% doanh nghiệp cho biết có đơn đặt hàng giảm. Về xu hướng quí 3-2023 so với quí 2-2023, có 32,2% doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng; 41,5% doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 26,3% doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng triển vọng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới.

Trong nhận định mới nhất, đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm 2023 nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu giảm mạnh từ đầu năm đến nay, sáu tháng giảm đến 18,2% so với cùng kỳ, hàm ý về việc đầu tư máy móc mới hay các nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Kim ngạch nhập khẩu giảm cũng xác nhận cầu tiêu dùng trong nước trì trệ.

Thị trường thế giới còn đang hấp thụ yếu, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế khi vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, cầu tiêu dùng giảm, thể hiện qua giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm. Do đó, song song với việc tìm kiếm thêm, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ, chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước để bù đắp phần nào cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại sụt giảm càng trở nên quan trọng. Ngoài ra, đây là những giải pháp có thể nằm trong sự chủ động của các cơ quan quản lý, thay vì bị động trông chờ vào sự phục hồi của các đối tác thương mại.

Bên cạnh việc liên tục giảm lãi suất điều hành gần đây và nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để kích thích tiêu dùng mạnh hơn, có lẽ chính sách tài khóa nên đi đầu trong hỗ trợ nền kinh tế và các đối tượng nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt khi Chính phủ vẫn còn dư địa tài khóa trong khi chính sách tiền tệ đang có những giới hạn nhất định.

Theo IMF, việc tăng chi ngân sách theo kế hoạch, gồm tăng tiền lương và đầu tư công, cũng như cắt giảm các loại thuế sẽ giúp thúc đẩy cầu trong nước.

Còn các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) hồi đầu tháng 6 vừa qua nhận định thúc đẩy đầu tư là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo, khi xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư là ba trụ cột quyết định cầu cả trong và ngoài nước, trong đó sự tăng trưởng của mỗi trụ cột này đối với tổng cầu chung có tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các dự án đầu tư công không chỉ có thể tạo thêm nhiều việc làm, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực tư nhân và nước ngoài, mà với mức độ lan tỏa cao cũng sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp “ăn theo” các dự án này và phục hồi dần hoạt động kinh doanh của mình, từ đó cũng thúc đẩy cầu tiêu dùng tăng trở lại.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ gần đây đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, với quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước; khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-7 đến hết năm 2023. Ngoài ra, cơ quan này cũng thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM – vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong những năm vừa qua, do những hạn chế về ngân sách đầu tư kéo theo các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng không theo kịp nhu cầu phát triển.

Có thể bạn quan tâm