Những tiêu chí nào để Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố?

Tạp chí Nhịp sống số - Để trở thành thành phố trực thuộc TP.Hà Nội, các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh cần đáp ứng nhiều tiêu chí như về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đã được công nhận đô thị loại 1, 2 hoặc 3 hay đạt quy định về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã

Trong Báo cáo gửi HĐND TP Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, UBND TP Hà Nội nêu một trong số định hướng 5 năm tới là dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

Kế hoạch này đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp cuối tháng 9.

Trước đó, ngày 20/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội”, trong đó nêu định hướng phát triển huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh gắn với lợi thế Cảng hàng không Nội Bài.

Như vậy, nếu định hướng trên được thực hiện, các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ là những huyện đầu tiên của Thủ đô trở thành thành phố. 

Đất Đông Anh
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố

Theo quy định, đơn vị hành chính muốn trở thành thành phố thuộc cấp tỉnh phải có quy mô dân số 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiên 150 km2 trở lên; có 10 xã trực thuộc trở lên; đã được công nhận đô thị loại 1, 2 hoặc 3; đạt quy định về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Các huyện được đề xuất lên thành phố ở Hà Nội hiện cơ bản đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc.

Trong đó, Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, 23 xã, một thị trấn trực thuộc; Sóc Sơn có diện tích hơn 300 km2, dân số khoảng 350.000 người, có một thị trấn và 25 xã; Mê Linh diện tích hơn 140 km2, dân số khoảng 230.000 người, 2 thị trấn và 16 xã...

Bên cạnh đó, trong kế hoạch 5 năm tới, Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất các nội dung để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch phát triển vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc rà soát, đánh giá các quy hoạch chung xây dựng huyện được duyệt trong giai đoạn trước, tổ chức lập 14 quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các khu chức năng.

Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông.

Ngoài ra, lập các quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn theo hướng xanh, hiện đại, gìn giữ bản sắc truyền thống. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền, tổ chức triển lãm công bố công khai quy hoạch đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Quy hoạch đồng bộ, tập trung thu hút đầu tư phát triển một số cụm du lịch: Ba Vì - Suối Hai, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa…

Tại các khu vực dự kiến lên quận như Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế-xã hội giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo.

Hà Nội cũng sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; đầu tư xây dựng mới 5 công viên, vườn hoa. Trồng mới 3,5 triệu cây xanh, trong đó 500.000 cây xanh đô thị.

Theo Tienphong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thị trường BĐS Hà Nội đang phục hồi nhưng nguồn cung vẫn hạn chế thúc đẩy giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp tăng cao. Trong khi đó người mua khó tính hơn, chỉ yên tâm tìm đến sản phẩm của chủ đầu tư có năng lực về tài chính, pháp lý, chất lượng, tiến độ, đặc biệt là chính sách bán hàng hấp dẫn.