Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm sâu

Tạp chí Nhịp sống số - Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu trong sáng 12.7, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Lãi suất tiền đồng ngày 12/7 giảm từ 0,05 - 0,23% so với ngày trước đó. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm xuống còn 0,24%/năm, 1 tuần còn 0,43%/năm, 2 tuần còn 0,81%, 1 tháng còn 2,47%, 2 tháng còn 3,9%, 3 tháng còn 4,33%, 6 tháng còn 5,67%, 9 tháng còn 6,65% và cao nhất 1 năm là 6,94%. Nếu so với cùng kỳ năm trước, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng đã giảm từ 1,96 - 5,36%/năm.

Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đi xuống cho thấy thanh khoản trong hệ thống đang khá dồi dào, chi phí vay mượn giữa các ngân hàng rẻ. Diễn biến lãi suất liên ngân hàng gần đây trên thị trường liên ngân hàng khá tương đồng với thời điểm năm 2020 - 7/2022.

Thanh khoản ngân hàng dồi dào tạo thêm dư địa cho mặt bằng lãi suất huy động vốn trong khu vực dân cư đi xuống. Một số ngân hàng vừa giảm thêm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng so với trước ở mức 0,1 - 0,3%/năm. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) giảm lãi suất huy động 0,3% ở một số kỳ hạn. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của nhà băng này còn 6,5%/năm, kỳ hạn 7 tháng 6,55%, kỳ hạn 8 tháng 6,6%, kỳ hạn 9 tháng là 6,65%… và mức cao nhất là 6,8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt giảm lãi suất từ 0,05 - 0,35%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,4%/năm, 3 tháng còn 4,7%/năm, 5 tháng 4,75%, kỳ hạn từ 6 tháng nhảy lên 7%, 12 tháng lên 7,3% và mức cao nhất là 7,5% ở kỳ hạn 24 tháng. Đối với tiền gửi trực tuyến, lãi suất huy động sẽ được cộng thêm 0,05%/năm so với gửi tại quầy giao dịch.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Có thể bạn quan tâm