Thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trở lại trong năm 2025, nhờ vào tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, chi phí vay giảm, và hoạt động giao dịch gia tăng trên các phân khúc chính.
Đây là những nhận định được chia sẻ tại sự kiện Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam 2025 của JLL, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện quy tụ các chuyên gia cấp cao của JLL cùng nhiều lãnh đạo trong ngành để thảo luận về các xu hướng và cơ hội nổi bật trong các phân khúc nhà ở, văn phòng, công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Thị trường bất động sản bước vào một "chương mới"
Nhân dịp này, JLL cũng ra mắt báo cáo mới nhất với tiêu đề: "Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam 2025: Một chương mới trong tăng trưởng kinh tế", cung cấp phân tích chuyên sâu về các động lực thị trường sẽ định hình năm 2025.

Bất chấp những biến động toàn cầu, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á, theo báo cáo của JLL. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 25,4 tỷ USD vào năm 2024 (tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước), với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các điểm nóng bất động sản trên cả nước.
Bà Trang Lê - Tổng Giám đốc JLL Việt Nam - nhận định: "Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng giữa những biến động của thị trường, chúng tôi nhận thấy một môi trường đầu tư được cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng và các nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn. Những yếu tố này đang củng cố vị thế của Việt Nam như một thị trường bất động sản hấp dẫn ở Đông Nam Á".
Cùng đó, JLL cũng đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng đầu tư cho năm 2025, với các yếu tố hỗ trợ chính gồm dòng vốn giao dịch gia tăng, nền tảng kinh tế vững mạnh và môi trường pháp lý liên tục được cải cách.
"Thị trường bất động sản Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt, và chúng tôi dự báo hoạt động đầu tư sẽ tăng mạnh trong năm 2025" - ông Michael Glancy, Giám đốc Điều hành Khối Thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines & Việt Nam của JLL - chia sẻ. "Việc chi phí vay vốn giảm và tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện là những yếu tố thúc đẩy xu hướng tích cực này. Các lợi thế nền tảng của Việt Nam như lực lượng lao động trẻ và năng động, hạ tầng phát triển và chính sách thu hút đầu tư, tiếp tục đưa đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án đầu tư bất động sản trên nhiều phân khúc. Khi điều kiện thị trường tiếp tục khởi sắc, chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự gia tăng của các giao dịch và dự án phát triển mới..."
Những điểm nhấn trong từng phân khúc
Thị trường cho thuê văn phòng Việt Nam ghi nhận mức hấp thụ ròng hơn 43.000 m2 trong năm 2024, cho thấy nhu cầu từ doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Yếu tố bền vững và sức khoẻ ngày càng chi phối xu hướng lựa chọn không gian làm việc của khách thuê, với các tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận xanh trở thành điểm đến ưu tiên.
Chuyển đổi đặc biệt rõ nét tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, nơi giá chào thuê văn phòng hạng A và A+ đã tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước – một con số ấn tượng trong bối cảnh nguồn cung kỷ lục mới được đưa vào thị trường chỉ trong vòng 6 tháng. Điều này phản ánh nhu cầu ngày càng cao đối với không gian làm việc chất lượng cao và tính thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, sau mức chạm đáy vào năm 2024, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ những điều chỉnh chính sách giúp tăng tính minh bạch và đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án. Các nhà phát triển và nhà đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ngày càng chú trọng vào các khu vực vệ tinh, nơi nhu cầu đang có dấu hiệu gia tăng.
Ông Bách Tạ - Giám đốc Thị trường vốn tại JLL Việt Nam - nhận xét: "Thị trường đang bước vào chu kỳ phát triển bền vững hơn, nhờ sự kết hợp của quá trình đô thị hóa, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và các cải cách chính sách. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động giao dịch sẽ sôi động hơn ở các dự án nhà ở được quy hoạch tốt, đặc biệt trong phân khúc trung và cao cấp".
Trong bức tranh chung, thị trường công nghiệp và chuỗi cung ứng cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho lĩnh vực sản xuất, nhờ vị trí chiến lược và lợi thế từ chiến lược "China+1". Việt Nam đang hưởng lợi từ những thay đổi trong chính sách địa phương, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và kế hoạch phát triển hạ tầng đầy tham vọng, giúp nâng cao sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp và chuỗi cung ứng tại đây.
"Thị trường công nghiệp và chuỗi cung ứng của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với mức FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 25,4 tỷ USD vào năm 2024. Lĩnh vực sản xuất và bất động sản vẫn là những ngành nhận FDI lớn nhất. Đặc biệt, thị trường đang mở rộng ra ngoài các trung tâm truyền thống, nhờ vào cải thiện hạ tầng và xu hướng phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường...", bà Vân Nguyễn - Giám đốc Cấp cao Khối Giao dịch miền Bắc - cho biết.