Đó là những nội dung của chương trình của chương trình thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại các siêu thị MM Mega Market trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động do Công ty Tetra Pak, MM Mega Market (“MM”) cùng với Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phát động sau nhiều tháng tạm ngừng do dịch Covid-19.
Theo đó, từ 15-21/11, trong hệ thống siêu thị MM tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có các điểm thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống. Tại đây, khách hàng sẽ được thăm quan gian trưng bày các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp giấy đựng đồ uống; tham gia tìm hiểu về môi trường và có thể đổi vỏ hộp giấy đựng đồ uống nhận quà (cứ 50 vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng nhận một túi vải đa năng).
Vỏ hộp giấy sau khi thu gom sẽ được chuyển đến nhà máy giấy Đồng Tiến đặt tại Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như bàn, ghế, giấy công nghiệp, sổ ghi chép, tấm lợp và tấm phẳng sinh thái. Sau đó, chúng lại được đưa đến khu trưng bày của sự kiện để khách hàng tới tham quan, đổi quà.
Bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc phụ trách phát triển bền vững, Công ty Tetra Pak Việt Nam chia sẻ: “Việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy nằm trong lộ trình của công ty hướng tới việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải các bon. Trong đó, mọi sản phẩm hộp giấy của Tetra Pak sẽ được cấu tạo 100% bằng vật liệu tái sinh, có thể tái chế được và được tái chế hoàn toàn sau khi sử dụng. Chính vì vậy Tetra Pak sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thu gom và tái chế này đến nhiều hệ thống bán lẻ hơn nữa, từ đó khuyến khích thói quen thu gom vỏ hộp giấy của người dân, và lan rộng hành động ý nghĩa này ra toàn xã hội".
Với người dân, thông qua việc quan sát trực quan, tìm hiểu về sản phẩm tái chế sẽ giúp mang lại nhận thức sâu sắc hơn về "vòng đời" của các vật liệu thân thiện môi trường, về ý nghĩa của chương trình cũng như có hành động tích cực hơn.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại, Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Chương trình thu gom hợp tác giữa Tetra Pak và MM được bắt đầu từ năm 2020 với 8 điểm thu gom đặt tại các chi nhánh của MM ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sau một năm triển khai, chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chúng tôi đánh giá đây là một mô hình hiệu quả giúp người tiêu dùng Việt thực hiện lối sống xanh, nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường và rác thải, đồng thời khiến trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên có ý nghĩa hơn. Với những tín hiệu tích cực trên, MM hy vọng sẽ mở rộng chương trình này trong hệ thống của MM trên toàn quốc.”
Nói về ý nghĩa của chương trình lần này, bà Hoàng Thị Liên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tái chế Bao bì - PRO Việt Nam, chia sẻ: “Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế việc phân loại, thu gom bao bì sản phẩm để được tái chế tại Việt Nam còn có nhiều hạn chế. Chính vì vậy chương trình thu gom vỏ hộp giấy tại các siêu thị của Tetra Pak và MM được đánh giá cao và PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa để Tetra Pak cũng như các thành viên trong Liên minh có thể ứng dụng và mở rộng mô hình này.’’
Là công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, Tetra Pak luôn đặt chất lượng và bền vững là nền tảng cho mọi hoạt động của mình. Bên cạnh chương trình hợp tác với Mega Market, Tetra Pak không ngừng thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống do công ty cung cấp cho thị trường Việt Nam. Công ty hiện đang hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp xã hội, hội nhóm môi trường và nhà bán lẻ để mở rộng gấp đôi mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy công cộng so với năm 2019, lên tới 62 điểm hiện nay. Những điểm thu gom này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể dễ dàng mang vỏ hộp giấy đã qua sử dụng đến để đưa đi tái chế. Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak cùng với 08 nhà sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu Việt Nam sáng lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu là toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên trong Liên minh sẽ được tái chế vào năm 2030.