Với những “trợ lực” lớn từ cơ chế chính sách được ban hành trong năm 2023, góp phần tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển bất động sản, giới chuyên gia nhận định năm 2024, thị trường bất động sản sẽ bước sang chu kỳ phát triển mới, ổn định hơn.
Trong số đó, bất động sản công nghiệp và phân khúc căn hộ chung cư dự báo sẽ là “ngôi sao” dẫn dắt thị trường, giúp nguồn cải thiện nguồn cung sản phẩm.
“Trợ lực” lớn từ cơ chế chính sách
Tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản 2024 - Vượt qua thách thức” do Hội Môi giới Bất động sản (VARS) tổ chức ngày 5/1, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - ông Hoàng Hải nhấn mạnh hiện nay, thị trường bất động sản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Thông tin cụ thể, ông Hải cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023, các bộ, ngành đã tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động: Kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Trên cơ sở đó, các chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Hiện nay, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội xem xét để thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
“Các luật trên khi có hiệu lực sẽ thực sự là bước thay đổi lớn, tác động mạnh làm tăng nguồn cung cũng như điều tiết giá thị trường bất động sản phù hợp người dân hơn,” ông Hải tin tưởng.
Ngoài ra, liên quan đến đất đai, ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, qua đó đã tháo gỡ cho việc cấp “sổ hồng” cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về hồ sơ địa chính.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 03/2023/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; Thông tư số 10/2023/TT-NHNN tạo điều kiện khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn…
Đặc biệt, trong năm 2023, Tổ công tác Chính phủ đã rà soát, đôn đốc, gỡ khó kịp thời cho hàng loạt dự án bất động sản tại nhiều địa phương.
Nhờ đó, theo ông Hải, hiện nay, thị trường bất động sản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Riêng nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn cả nước đã có 470 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp được hoàn thành và đang triển khai.
Có chung quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VNREA cho rằng việc Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua với một số thay đổi mang tính tích cực, sẽ góp phần tạo thêm động lực và kỳ vọng mới cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Nhiều triển vọng trong năm 2024
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết trong năm 2024, nhiều yếu tố vĩ mô sẽ tác động tích cực đến thị trường như: Lãi suất vay mua nhà tiếp tục được điều chỉnh giảm và nhà ở xã hội tiếp tục là trọng tâm trong Chương trình phát triển nhà ở của Chính phủ; việc phê duyệt quy hoạch tại các địa phương trong giai đoạn đang xem xét sẽ được thúc đẩy hoàn thành sớm.
Ngoài ra, việc Việt Nam chú trọng thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nhiều vùng trọng điểm trên cả nước,... cũng sẽ là “trợ lực” cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn.
Với những “trợ lực” lớn trên, ông Đính nhận định 2024 khả năng cao sẽ là năm cuối của quá trình “vượt chướng ngại vật” đối với thị trường bất động sản. Trong số đó, việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều quy định mới gỡ khó cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển; tăng khả năng tiếp cận nguồn “cung” cho người thu nhập thấp, cũng như giảm khoảng cách sản phẩm giữa “cung” và “cầu.”
Đặc biệt, phân khúc nhà ở được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo sẽ được dẫn dắt thị trường bất động sản từ giữa năm 2024 với tổng nguồn cung căn hộ chung cư trên cả nước, ước đạt trên 30.000 sản phẩm; trong đó Hà Nội khoảng 15.000 sản phẩm, Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 sản phẩm và Bình Dương khoảng 10.000 sản phẩm...
Ngoài ra, bất động sản khu công nghiệp cũng dự báo sẽ tiếp tục duy trì vị thế “ngôi sao” của thị trường bất động sản trong năm 2024. Đây cũng là phân khúc duy trì vị trí đầu bảng trong suốt cả năm 2023 khi Việt Nam tiếp tục là cứ điểm sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Có chung quan điểm, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định hiện nay thị trường bất động sản đã có những diễn biến tích cực. Do đó, các chủ thể trên thị trường (bao gồm cả chủ đầu tư, người mua và môi giới bất động sản) cần có những sự chuẩn bị về năng lực để tiếp cận thị trường một cách tích cực, hiệu quả hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2024 này.
Dù vậy, tại diễn đàn, nhiều ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý cũng lưu ý để các chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thu được hiệu quả như mong đợi, thị trường bất động sản vẫn cần có thời gian với sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để thị trường bất động sản phát triển ổn định, mình bạch và bền vững hơn.