Mới đây, các doanh nghiệp Estonia trong lĩnh vực CNTT đã có cuộc gặp gỡ giao thương với đại diện của nhiều doanh nghiệp ICT Việt Nam. Đây là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu cấp cao Estonia, diễn ra từ ngày 4 - 8/11/2024, do Trade Estonia (thuộc Enterprise Estonia) và Đại sứ quán Estonia tại Việt Nam tổ chức.
Thời điểm thích hợp để tăng cường quan hệ song phương và mở rộng hợp tác
Phát biểu về mục đích chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Estonia, Ngài Hannes Hanso - Đại sứ Estonia tại Việt Nam - đã bày tỏ kỳ vọng về việc xây dựng quan hệ đối tác hướng tới tương lai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Theo đó, chuyến thăm lần này không chỉ nhằm mục tiêu củng cố vị thế của Estonia trên thị trường CNTT toàn cầu, mà còn nhằm thiết lập các cơ hội hợp tác với ngành công nghiệp ICT đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
"Khi cả hai quốc gia đều ưu tiên chuyển đổi số, cuộc gặp này diễn ra vào thời điểm thích hợp để tăng cường quan hệ song phương và mở rộng các nỗ lực hợp tác về công nghệ", Ngài Đại sứ nói.
Đại sứ Hanso cho biết, Estonia được biết đến trên toàn thế giới là một quốc gia kỹ thuật số, nơi 99% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến cho công dân, với một chính phủ "không giấy tờ" từ hơn 15 năm qua. Đây là thành quả của sự hợp tác Công Tư chặt chẽ giữa chính phủ với các công ty công nghệ toàn cầu của Estonia.
"Tôi rất vui mừng khi được đến Việt Nam cùng các thành viên của các công ty CNTT hàng đầu Estonia, những công ty quan tâm đến việc hợp tác với chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân" - Ngài Hanso nói - "Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Estonia thông qua những trải nghiệm chung và xây dựng các mối quan hệ mới".
Tiếp lời Đại sứ, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) - cho biết, Việt Nam hiện đang thực thi hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đơn cử như Quyết định 2099/QD-TTg: Cung cấp dịch vụ hỗ trợ kiến thức đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN, Ưu đãi thuế cho các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Hay Nghị định 76/2018 quy định về Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp; Nghị định 109/2022 quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học, phát triển các trung tâm đổi mới trong trường đại học; ươm mầm và đào tạo đổi mới khởi nghiệp...
Nhờ sự hỗ trợ đó, tính đến năm 2023, Việt Nam xếp hạng thứ 56 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu; xếp hạng 46/132 Chỉ số đổi mới toàn cầu GII; thu hút 427 triệu USD tổng vốn đầu tư mạo hiểm với 56 thương vụ đầu tư hoàn tất. Ngoài ra, Việt Nam có 314 bằng sáng chế, 3.800 startups với các kỳ lân như VNG, MoMo, hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm...
Với những thông tin này, hai bên đều nhận thấy, hiện đang là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Estonia và Việt Nam tăng cường hợp tác, mở rộng đầu tư về công nghệ.
Các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm cơ hội
Estonia được công nhận rộng rãi là một trong những quốc gia tiên tiến nhất về kỹ thuật số trên thế giới, tiên phong trong việc phát triển một xã hội kỹ thuật số và đặt ra các chuẩn mực toàn cầu trong quá trình này. Hệ sinh thái quản trị kỹ thuật số và kinh doanh của quốc gia này trình bày một mô hình độc đáo, có khả năng mở rộng, phù hợp với các mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số đầy tham vọng của Việt Nam.
Các đoàn doanh nghiệp trước đây từ Estonia trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, và ICT đã đặt nền tảng cho sự hợp tác song phương mạnh mẽ.
Đại diện từ năm công ty CNTT lớn của Estonia, bao gồm DreamApply, Finbite, Wisercat Software, Ampron và AdoptoMedia đã bày tỏ sự nhiệt tình của họ đối với các hợp tác tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, ông Jelmer de Wolde - Giám đốc kinh doanh, Công ty DreamApply - cho biết: "DreamApply hiện đang hỗ trợ một số trường đại học ở Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia. Tuy nhiên, chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa ở châu Á và đã chọn Việt Nam làm điểm khởi đầu cho hành trình phát triển của mình. Hiện, chúng tôi đang trao đổi với một số trường đại học và doanh nghiệp để hiểu thêm về văn hóa kinh doanh cũng như khả năng thành lập chi nhánh tại Việt Nam".
Theo ông Jelmer de Wolde, kể từ năm 2011, DreamApply có thể giúp các trường đại học chuyển đổi kỹ thuật số trong quy trình tuyển sinh, giúp họ hoạt động hiệu quả và thu hút nhiều sinh viên hơn. Công ty đã cung cấp giải pháp phần mềm Tuyển sinh & Tuyển dụng cho các trường đại học (đến nay là hơn 300 trường).