Nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học

Trong những năm gần đây, việc xét tuyển đại học bằng học bạ đã trở thành một trong những phương thức tuyển sinh phổ biến, được nhiều trường đại học áp dụng.

Phương thức này có ưu điểm là đánh giá được năng lực học tập tổng quát của thí sinh, tránh tình trạng “may rủi” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, phương thức này cũng tồn tại một số hạn chế, như: dễ bị thao túng, tạo cơ hội cho việc chạy điểm học bạ; không đánh giá được năng lực thực sự của thí sinh trong các môn thi chuyên ngành; gây khó khăn cho các trường đại học trong việc tuyển chọn thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo.

tuyển sinh đại học

Theo các chuyên gia giáo dục, trên lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh, việc xét tuyển bằng học bạ cũng giúp giảm bớt áp lực thi cử, chi phí cho thí sinh. Tuy nhiên, đi kèm là chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Thực tế, ở nước ta hiện nay, cả hai điều này đều khó đảm bảo khi kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ GD& ĐT tiến hành những năm gần đây có độ “vênh” tại nhiều địa phương.

Điều này cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường khác nhau sử dụng các thước đo khác nhau. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh vào đại học là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội.

Trước thực trạng trên, một số trường đại học top đầu như trường Đại học Kinh tế quốc dân hay Đại học Y Hà Nội và một số trường khác đã quyết định bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ, thay vào đó là các phương thức có độ tin cậy cao hơn như xét tuyển kết hợp, xét tuyển dựa trên các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Đây là một động thái được nhiều người ủng hộ, bởi nó góp phần giải quyết vấn đề “lạm phát điểm học bạ”, làm đẹp học bạ và góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học.

Có thể nói, đây là một xu hướng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học, giúp các trường đại học tuyển chọn được những thí sinh có năng lực thực sự, phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo.

Có thể bạn quan tâm