Quảng Ninh hướng tới kinh tế số, chuyển dịch kinh tế từ nâu sang xanh

Tạp chí Nhịp sống số - Nếu trước năm 2020 kinh tế số của Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP thì năm 2022 con số này đã tăng lên 8% và dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP.

Tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới nền kinh tế số với mục tiêu đến năm 2025 chiếm 25% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 2023 chiếm 30% GRDP của tỉnh.

Tỉnh xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế từ nâu sang xanh.

kinh tế số

Quảng Ninh coi đây là 1 trong 15 đề án trọng tâm và đã đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Tỉnh đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số trọng tâm như: phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp công nghệ.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, hoạt động kinh tế số đến nay đã có tín hiệu khả quan.

Hiện nay, toàn tỉnh đã gần 350 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada… qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Cầm (thị xã Đông Triều), cho biết việc đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử đã giúp công ty mở rộng được thị trường tiêu thụ, từ vùng Tây Bắc xuống các tỉnh phía Nam như Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh…

Gần đây nhất, một doanh nghiệp ở Hải Phòng đã liên kết với công ty để xuất khẩu hàng hóa sang Australia.

Việc thanh toán số đang dần trở thành thông dụng tại Quảng Ninh. Hiện 99,2% số thu ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí của tỉnh được thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản được thanh toán trực tuyến điện tử.

Tất cả 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã áp dụng mô hình chợ 4.0, với các trung tâm thương mại, chợ trung tâm, chợ hạng 1 trên địa bàn sử dụng mô hình thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.

Từ tháng 4/2022, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, được áp dụng cho khách du lịch tham quan ban ngày và tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh.

Chứng từ thu là vé tham quan chuyển đổi theo hóa đơn điện tử. Việc áp dụng thu phí điện tử này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về chuyển đổi số.

Chị Nguyễn Thúy, khách du lịch Hải Phòng, cho biết đi du lịch tại Quảng Ninh khá thuận tiện, không cần mang theo nhiều tiền mặt, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán chi phí sử dụng tất cả các dịch vụ từ ăn uống, khách sạn, vui chơi giải trí, du lịch-dịch vụ trên vịnh Hạ Long.

Từ tháng 6/2022, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng khai thác hóa đơn điện tử, có 2.325 hộ kinh doanh (chiếm 95,7% chỉ tiêu) trên địa bàn tỉnh đăng ký sử dụng khai thác hóa đơn điện tử.

Tỉnh đã phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn; 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số.

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, cho biết việc sử dụng hóa đơn điện tử được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế, góp phần làm minh bạch trong quản lý thuế, thu ngân sách của tỉnh đều tăng qua các năm.

Kinh tế số đang chuyển dịch mạnh ở Quảng Ninh đã góp phần nâng cao tỷ trọng trong GRDP.

Nếu trước năm 2020 kinh tế số của Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của tỉnh, thì năm 2021 kinh tế số đã chiếm 5%, được nâng lên 8% năm 2022 và dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP.

Có thể bạn quan tâm