Việt Nam cần khoảng 135 tỉ USD đầu tư nguồn, lưới điện

Tạp chí Nhịp sống số - Nguồn vốn cần để đầu tư, xây dựng các dự án điện đến 2030 dự kiến khoảng 113 - 135 tỉ USD, trong đó ước tính 88% dành cho nguồn, còn lại là dự án lưới điện.

Thông tin này vừa được Bộ Công thương nêu trong tờ trình gửi Chính phủ, đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8).

Kế hoạch này là cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện 8. Trong đó nhấn mạnh nhu cầu vốn trong giai đoạn này rất lớn, dự kiến lên tới 113 - 135 tỉ USD để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện. Riêng vốn đến 2025 là trên 57 tỉ USD, trong đó nguồn điện chiếm hơn 84%, và lưới truyền tải 16%. 5 năm sau đó, các dự án nguồn điện cần gần 72 tỉ USD để đầu tư, xây dựng, còn truyền tải xấp xỉ 6 tỉ USD.

đầu tư lưới điện

Theo tờ trình, tổng vốn đầu tư các dự án nguồn, lưới điện tại Quy hoạch điện 8 sẽ từ nguồn đầu tư công hoặc vốn khác. Bộ này cho biết các nguồn điện lớn sẽ được phân theo loại hình, vùng miền và giai đoạn dự kiến đưa vào vận hành.

Với dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Bộ sẽ làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng tiếp tục triển khai hoặc xem xét chấm dứt.

Các nguồn điện chạy nền - dự án giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh cung cấp điện như nhiệt điện khí LNG nhập khẩu, khí trong nước, thủy điện lớn... Bộ Công thương cho rằng cần rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hàng quý, năm để cập nhật khả năng cung ứng điện quốc gia trong từng năm đến 2030. Đây sẽ là cơ sở để nhà chức trách đề xuất giải pháp nếu có dự án chậm tiến độ.

Ngoài ra, các dự án điện gió ngoài khơi cũng sẽ được phân bổ theo vùng. Các địa phương lựa chọn quy mô, vị trí của các dự án nguồn này dựa trên các yếu tố như chi phí sản xuất, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải và hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội.

Tương tự, địa phương sẽ tính toán quy mô công suất các dự án điện mặt trời tập trung căn cứ vào tính khả thi, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện khu vực; chi phí sản xuất điện quy dẫn, có xét đến chi phí truyền tải điện.

Các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ được phân bổ theo tỷ lệ quy mô diện tích đất khu công nghiệp, với công suất phát triển khoảng 2.600 MW năm 2030. Còn nguồn năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời tập trung, điện gió) sẽ phân bổ theo vùng, tiểu vùng và địa phương tính toán, đánh giá giới hạn truyền tải giữa các khu vực và chế độ vận hành lưới điện.

Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu dự kiến bao phủ 50% tòa nhà công sở, nhà dân vào 2030. Thủy điện nhỏ, sinh khối, điện rác sẽ do các tỉnh đề xuất dựa trên tiềm năng địa phương.

Về đất đai, để thực hiện các dự án nguồn và lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện 8, tờ trình kế hoạch nêu cần khoảng 86.500 ha đến 2030, trong đó giai đoạn 2022 - 2025 khoảng 46.236 ha và 2026 - 2030 là 40.202 ha. Nhu cầu diện tích mặt biển cần sử dụng khoảng 111.600 ha đến 2030.

Bộ Công thương cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp đề xuất cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả kế hoạch này; UBND tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch địa phương đảm bảo đồng bộ, thống nhất với kế hoạch thực hiện. Riêng các dự án khí LNG chưa có chủ đầu tư, địa phương hoàn thành lựa chọn trong quý 3 và đẩy nhanh việc lập, trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hoàn thành trong quý 4 năm nay.

Có thể bạn quan tâm